Số bệnh nhân bị ung thư vú hiện chiếm khoảng 40% bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Số bệnh nhân bị ung thư vú hiện chiếm khoảng 40% bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Một bệnh nhân ung thư vú đang điều trị tại khoa ung bướu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.Thư |
Phần lớn bệnh nhân bị ung thư vú không đi tầm soát bệnh định kỳ. Bệnh chỉ được phát hiện khi xuất hiện khối u ở vú, thậm chí có trường hợp phát hiện khối u và một số bất thường ở vú vẫn không chịu đi khám bệnh.
* Hối hận vì chủ quan!
Cụ thể, như trường hợp của chị T.T. ngụ tại phường Xuân An, TX.Long Khánh. Vào tháng 10-2014, chị T. phát hiện một khối u nhỏ ở vú phải nhưng lại cho rằng do uống thuốc trị khớp nhiều bị nóng nổi mụn nhọt trong người nên không đi khám. Một tháng sau chị tiếp tục thấy nổi cục hạch to ở nách phải. Đến khi khối u phát triển ngày càng to gây đau đớn, chị mới chịu đi khám ở khoa ung bướu của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thì biết mình bị ung thư vú giai đoạn 3.
Theo bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa y học hạt nhân, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, các kỹ thuật tầm soát ung thư vú đã được các bệnh viện trong tỉnh triển khai, phổ biến cả các bệnh viện tuyến dưới bằng siêu âm vú, riêng ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có chụp nhũ ảnh. Người dân có thể liên hệ các bệnh viện để tầm soát bệnh ung thư vú càng sớm càng tốt. Hiện nay, tỷ lệ người đi tầm soát tại các bệnh viện trong tỉnh chưa cao, một phần là do người dân tự bỏ tiền ra chi trả cho chi phí tầm soát ung thư do quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán các kỹ thuật cận lâm sàng trong tầm soát. |
Chị T. hối hận cho hay: “Lúc phát hiện cục hạch ở nách, tôi nghĩ đến bị ung thư nhưng sợ đi chữa nhiều tiền nên không dám đi. Đến khi đi khám mới biết bệnh này nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi và được bảo hiểm thanh toán tiền điều trị. Biết vậy tôi đi chữa sớm chứ không để khối u to như bây giờ, vừa đau đớn vừa khó điều trị hơn“.
Một trường hợp khác là bà T.N., 67 tuổi, ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom. Bà N. cho biết cách đây khoảng 6 tháng, bà thấy vú phải thường xuyên bị nhức và rất rát khi mặc áo ngực. Khi đi khám thì phát hiện bị ung thư vú. “Tôi cứ nghĩ mình không lập gia đình, không sinh con chắc không bị ung thư vú nên chưa bao giờ đi khám bệnh hay tầm soát bệnh ung thư vú” - bà N. nói.
* Sẽ chữa khỏi nếu phát hiện sớm
Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Trưởng khoa ung bướu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bệnh ung thư vú thực sự không là “án tử” nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cũng theo bác sĩ Nhân, hiện nay điều trị ung thư vú có nhiều giải pháp hữu hiệu. Trước đây, đối với bệnh ung thư vú chỉ phẫu thuật những khối u nhỏ, khối u to quá không phẫu thuật được thì cho về nhà chăm sóc. Hiện nay, đối với khối u lớn vẫn có thể điều trị và phẫu thuật được bằng cách cho bệnh nhân hóa trị để khối u nhỏ lại, sau đó tiến hành mổ khối u và xạ trị. Đối với trường hợp cắt bỏ vú vẫn có thể tái tạo lại vú. Thông thường các ca tái tạo vú tại các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh chi phí rất đắt, từ 50-80 triệu đồng. Hiện tại, Đồng Nai đã thực hiện được các ca tái tạo vú với chi phí thấp hơn nhiều. Các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế chỉ phải chi trả từ 5-10 triệu đồng.
Cũng theo bác sĩ Nhân, đối với khối u ở phụ nữ dưới 30 tuổi thông thường là u lành tính. Tuy nhiên, hiện nay, ung thư vú ngày càng trẻ hóa nên chị em phụ nữ nên cẩn trọng. Việc tầm soát bệnh ung thư vú rất quan trọng, có thể tự khám xem có thay đổi bất thường, như: chảy máu, đầu vú tụt vào trong, khối u nhỏ...Tốt nhất định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm phải đến bác sĩ chuyên khoa (điều trị ung thư) để khám tầm soát bệnh. Việc này rất quan trọng vì phần lớn bệnh nhân khi tự khám phát hiện khối u đã hơn 1cm. Thời gian ảnh hưởng rất lớn đến điều trị bệnh ung thư. Nếu để lâu bệnh càng tiến triển nặng hơn.
Ngọc Thư