Báo Đồng Nai điện tử
En

Chữa thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc

10:01, 20/01/2015

Trời trở lạnh, số bệnh nhân về xương khớp, trong đó có bệnh thoát vị đĩa đệm đến điều trị tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai tăng cao.

Trời trở lạnh, số bệnh nhân về xương khớp, trong đó có bệnh thoát vị đĩa đệm đến điều trị tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai tăng cao.

Một bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm được điều trị bằng máy kéo giãn cột sống tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai.     Ảnh: Đ.NGỌC
Một bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm được điều trị bằng máy kéo giãn cột sống tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai. Ảnh: Đ.NGỌC

Điều đáng nói là có rất đông người trong độ tuổi lao động bị mắc bệnh thoát vị đĩa đệm. Theo các bác sĩ, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu người bệnh không chủ quan.

* Lạm dụng thuốc giảm đau

Phần lớn bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đều cho biết đã bị đau thắt lưng kéo dài từ 1-2 năm và chỉ điều trị bằng thuốc giảm đau. Đến khi bệnh nhân bị đau lưng nhiều, tê xuống chân, uống thuốc giảm đau không hết thì mới đi khám bệnh và phát hiện bị thoát vị đĩa đệm. Thực tế, khi bị thoát vị đĩa đệm việc chữa trị mất khá nhiều thời gian và tốn kém, nhiều trường hợp nặng phải phẫu thuật. Tuy nhiên, do tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật vẫn còn nên nhiều bệnh nhân lựa chọn cách điều trị bảo tồn.

Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm rất quan trọng

Bác sĩ Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, cho biết để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cần phải rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh, biết giữ gìn tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hàng ngày. Đối với trẻ nhỏ cần ngồi học đúng tư thế, tránh mang vác nặng; người trưởng thành cần tránh mọi chấn thương cho cột sống, chú ý tránh mang vác nặng, nhất là ở tư thế cúi khom lưng. Đặc biệt, đối với nhân viên văn phòng phải ngồi lâu kéo dài cũng ảnh hưởng không tốt cho cột sống. Do vậy, khi ngồi khoảng 1 giờ cần đứng dậy đi lại từ 10-15 phút. Ngoài ra, cần thường xuyên tập các bài tập thể dục mạnh cơ lưng, cơ bụng để giữ vững cột sống. Khi bị đau lưng thường xuyên cần sớm đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tình trạng nặng, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém.

Bà Phạm Thị Hồng ở KP.1, phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) bị tê chân, tê 2 bàn tay suốt nhiều tháng nay và chỉ ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống và tiếp tục công việc buôn bán. Ngày nào uống thuốc thì bớt, còn không uống lại đau nhức. Đến khi chân bà yếu hẳn đi, không thể đi lại được, bà được đưa đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để phẫu thuật do khối thoát vị đĩa đệm ở cổ và lưng quá lớn, chèn ép dây thần kinh gây ảnh hưởng đến khả năng vận động. Sau phẫu thuật, bà được chuyển sang tập vật lý trị liệu và hiện tay chân đã vận động được, nhưng vẫn còn yếu. 

Chị Võ Thị Thanh Thúy, 27 tuổi ở KP.2, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) bị đau thắt lưng âm ỉ hơn 1 năm nay. Mỗi khi đau chị chỉ mua thuốc giảm đau uống thấy bớt nên không đi khám. Đến khi đau lan xuống chân, không nằm ngửa được, muốn đi đâu phải lết, chị đi khám thì biết bị thoát vị đĩa đệm. Do uống thuốc giảm đau nhiều, bị đau bao tử nên chị quyết định chữa bảo tồn đĩa đệm bằng tập vật lý trị liệu Đồng Nai tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai. Sau hơn 1,5 tháng nghỉ việc để điều trị, đến nay chân chị đã hết tê mỏi, vận động trở lại bình thường.  

* Kiên trì tập luyện

Bác sĩ Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, cho biết nguyên nhân gây bệnh thoát vị đĩa đệm là do tư thế lao động, tư thế sinh hoạt xấu ảnh hưởng đến cột sống, như: ngồi không đúng tư thế, bê nặng, đổi tư thế đột ngột. Việc tập vật lý trị liệu và luyện tập giữ vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm, bởi lẽ việc dùng thuốc chỉ có tác dụng giảm đau, giãn cơ chứ không chữa dứt căn nguyên gây bệnh là do đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống. Việc dùng thuốc kéo dài sẽ gây tác dụng phụ cho gan, thận, bao tử...

Không lạm dụng việc đeo đai lưng

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nghị, khi bị thoát vị đĩa đệm cần tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên để nâng cao thể lực, như: đi xe đạp, bơi lội, hít xà đơn, tập yoga... nhằm tăng cường sự dẻo dai của cơ lưng và cơ bụng, đỡ dồn áp lực lên cột sống. Trong trường hợp phải ngồi lâu hay đi xa bằng mô tô, ô tô trên đường xóc cần đeo đai lưng đối với người bị thoát vị đốt sống lưng, đeo yếm cổ đối với người thoát vị đốt sống cổ để tránh làm tình trạng bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc đeo đai lưng liên tục trong thời gian dài để đề phòng cơ lưng bị teo.

Hiện nay, đối với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm sẽ được kéo giãn cột sống bằng máy. Tùy theo trọng lượng người bệnh và tùy theo tình trạng cấp tính hay mãn tính mà bác sĩ cho kéo giãn ngắt quãng hay liên tục để kéo đĩa đệm trở về vị trí cũ. Tiếp đến, các chuyên viên vật lý trị liệu sẽ xoa bóp, bấm huyệt, nắn chỉnh cột sống để đẩy đốt sống vào vị trí cũ. Ngoài ra, các phương pháp điều trị giảm đau, giảm co cứng cơ, bao gồm: châm cứu, chiếu laser, sóng ngắn, điện từ trường... Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tập những bài tập thể dục mạnh cơ lưng, cơ bụng để giữ vững cột sống.      

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Nghị, bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cần giữ tinh thần thoải mái, bởi càng hoang mang, lo sợ càng đau; cần phải có niềm tin vì bệnh này có thể chữa khỏi. Rất nhiều bệnh nhân vào tập vật lý trị liệu và kiên trì luyện tập các cơn đau thuyên giảm và không còn tê chân, tê tay và vẫn tiếp tục lao động, làm việc bình thường. Tuy nhiên, quá trình chữa trị và tập luyện cần có thời gian và lòng kiên trì của người bệnh thì mới có hiệu quả.

 Đặng Ngọc

 

 

 

 

Tin xem nhiều