Ngày càng có nhiều người chọn các môn thể thao cần sự vận động nhiều để rèn luyện sức khỏe, như: bóng đá, tennis, cầu lông, thể hình... Tuy nhiên, không ít người đã bị chấn thương do tập luyện quá sức hoặc va chạm trong khi tập luyện, khiến họ phải chịu các cơn đau kéo dài.
Ngày càng có nhiều người chọn các môn thể thao cần sự vận động nhiều để rèn luyện sức khỏe, như: bóng đá, tennis, cầu lông, thể hình... Tuy nhiên, không ít người đã bị chấn thương do tập luyện quá sức hoặc va chạm trong khi tập luyện, khiến họ phải chịu các cơn đau kéo dài.
Bác sĩ Nguyễn Tường Quang (bìa phải) thực hiện ca mổ nội soi khớp khuỷu cho bệnh nhân Lê Đình Nguyên. Ảnh: N.THƯ |
Bác sĩ Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết trong thời gian qua, tại bệnh viện đã chữa trị cho nhiều bệnh nhân bị các chấn thương do chơi thể thao, như: các bệnh lý về khớp vai, khớp khuỷu, khớp gối...
* Những cơn đau dai dẳng
Anh Lê Đình Nguyên (KP.3, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) chơi tennis đã nhiều năm nay. Do tập luyện quá sức nên mấy tháng qua, anh bị đau khớp khủy ở tay phải, cầm chổi quét nhà cũng khó khăn. Anh đi khám bác sĩ chuyên khoa thì được biết bị viêm rách gân duỗi chung bám vào mõm xương lồi cầu ngoài (hay còn gọi là hội chứng tennis elbow) đã điều trị thuốc và tập vật lý trị liệu không bớt, cuối cùng anh được tiêm corticoid vào vùng gân viêm nhiều lần nhưng vẫn không hết đau. Cơn đau ở tay phải kéo dài dai dẳng không thể thực hiện chức năng sinh hoạt hàng ngày.
Bác sĩ Nguyễn Tường Quang cho biết thêm, ngoài hội chứng tennis elbow thường gặp ở những người chơi tennis, golf, cầu lông, tập thể hình... một số chấn thương khi chơi thể thao khác cũng ảnh hưởng rất lớn đến vận động của người chơi thể thao, như: đứt dây chằng chéo trước, chéo sau, bên trong và bên ngoài khớp gối; tổn thương sụn chêm, tổn thương mãn tính dây chằng ở cổ chân thường gặp ở người chơi bóng đá, bóng chuyền...
Cũng theo bác sĩ Quang, triệu chứng của các bệnh này là những cơn đau ở khớp vai, khớp gối, khớp khuỷu hoặc cổ chân kéo dài, điều trị nội khoa bằng thuốc và tập lý trị liệu và nghỉ ngơi một thời gian không khỏi. Cơn đau ngày càng nặng ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, sinh hoạt và chất lượng sống của người bệnh. Nếu phát hiện và điều trị sớm, đúng cách thì người bệnh sẽ hồi phục nhanh chóng, người bệnh vẫn tiếp tục chơi thể thao lại được. Nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến các di chứng khó điều trị, như: teo cơ, cứng khớp, thoái hóa khớp, thậm chí không thể tiếp tục chơi thể thao hay lao động được.
* Điều trị như thế nào?
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Anh, Phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP.Hồ Chí Minh, đối với chấn thương thể thao như hội chứng tennis elbow, khi người chơi cảm thấy đau nên ngưng chơi thể thao, hạn chế vận động vùng khuỷu tay, uống thuốc kháng viêm, tập vật lý trị liệu. Nếu 3 tháng điều trị thuốc không bớt thì có thể tiêm corticoid vào vùng gân viêm. Tuy nhiên, việc tiêm corticoid phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và chỉ được tiêm tối đa 2-3 mũi tiêm/năm. Sau đó hạn chế vận động, ngưng thể thao 1 tháng. Nếu tiêm thuốc không khỏi thì phải phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, khuyến cáo khi chơi thể thao cần: - Khởi động kỹ trước khi chơi. - Tùy theo độ tuổi và thể trạng nên chọn môn thể thao vừa sức. - Trong trường hợp bị chấn thương nên sớm gặp bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để khám tư vấn để được chữa trị kịp thời, hạn chế tổn thương nặng hơn, cơn đau kéo dài, ảnh hưởng khả năng lao động và chất lượng sống của người chơi thể thao. |
Trong trường hợp của anh Lê Đình Nguyên điều trị bằng thuốc không hết đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chỉ định mổ nội soi khớp khuỷu. Đây là kỹ thuật khó, lần đầu tiên triển khai tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất dưới sự hỗ trợ của bác sĩ Nguyễn Trọng Anh. Bác sĩ Nguyễn Tường Quang cùng ê kíp bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình đã tiến hành mổ nội soi để đốt mô viêm, may gân rách cho anh Nguyên. Sau mổ nội soi, bệnh nhân ít đau đớn, tiến hành tập vật lý trị liệu để phục hồi vận động và có thể chơi thể thao trở lại.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Tường Quang, ngoài bệnh kể trên còn có một số bệnh chấn thương do chơi thể thao, như: đứt dây chằng chéo trước và chéo sau, rách sụn chêm ở gối, hay rách chóp xoay và mất vững khớp vai. Cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể để tiến hành phẫu thuật hay không. Đối với các trường hợp phải phẫu thật do chấn thương thể thao, sau khi phẫu thuật việc tập vật lý trị liệu cũng không kém phần quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật viên vật lý trị liệu lành nghề; người bệnh phải nỗ lực và kiên trì thì mới mau hồi phục chức năng vận động để có thể tiếp tục chơi thể thao lại. Đặc biệt lưu ý, khi chơi thể thao lại nên lựa chọn các môn thể thao vừa sức, hạn chế va chạm gây chấn thương.
Ngọc Thư