Ngày 26-1, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết bé trai L.V.Q. (1 tuổi, ngụ tại KP.8, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) nuốt phải núm phím đàn đồ chơi đã tử vong.
Ngày 26-1, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết bé trai L.V.Q. (1 tuổi, ngụ tại KP.8, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) nuốt phải núm phím đàn đồ chơi đã tử vong.
Liên tiếp chỉ trong vòng 2 tuần qua, tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai có 2 ca trẻ bị hóc dị vật dẫn đến nguy kịch và tử vong.
* Một chút lơ là...
Ngày 22-1, bé Q. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn do nuốt phải núm nhỏ của phím đàn đồ chơi. Dù các bác sĩ đã cấp cứu lấy được dị vật trong khí quản, nhưng bé vẫn phải thở máy do bị suy hô hấp và hôn mê sâu vì bị thiếu ô xy não quá lâu. Do tiên lượng sức khỏe của bé rất xấu và điều kiện gia đình khó khăn nên gia đình đã xin cho bé về nhà và sau đó bé đã tử vong. Mẹ của bé Q. cho biết, do chị phải đi làm thuê nên bé Q. được chị gái 14 tuổi trông coi. Khi bé đang chơi đồ chơi thì nuốt phải núm phím đàn nên òa khóc. Chị của Q. đã cố móc ra nhưng không được mà dị vật còn đi sâu vào trong cuống họng khiến bé nghẹt thở, tím tái và hôn mê.
Vỗ lưng khi trẻ bị hóc dị vật là một cách sơ cứu hiệu quả. (Ảnh minh họa, nguồn: internet) |
Trong khi đó, cũng tại Khoa hồi sức tích cực - chống độc, bé L.N.N.C., 2 tuổi, ngụ tại KP.2, phường Tân Hiệp (TP. Biên Hòa) vẫn phải thở máy suốt 2 tuần qua và trong tình trạng nguy kịch do sặc rau câu. Trước đó, vào ngày 10-1, khi ăn rau câu, bé N.C. đã vô tình nuốt tọt viên rau câu xuống cổ họng và mắc lại tại đây. Tuy nhà của bé cách Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai không xa, nhưng do không được sơ cứu kịp thời nên bé bị hôn mê do thiếu ôxy não quá lâu.
Bác sĩ Đặng Công Chánh, Phó trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc, cho biết thời gian qua, rất nhiều ca trẻ hóc dị vật được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện. Dị vật có thể là các loại hạt, như: hạt mãng cầu, sa pô chê, nhãn, đậu phộng; các loại thức ăn, như: rau câu, xương cá và cả thức ăn dạng lỏng như cháo, sữa; thậm chí có trẻ còn nuốt cả chìa khóa vào bụng. Có những loại dị vật cứng bị kẹt trong đường thở nếu không được cấp cứu kịp thời để lấy ra, dù trẻ có được cứu sống thì não vẫn bị di chứng nặng nề, như: bại liệt, động kinh, thậm chí bị hôn mê sâu. Có trẻ đã tử vong vì nuốt phải hạt nhãn, rau câu.
* Sơ cứu khi trẻ hóc dị vật
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ bị hóc dị vật trở nên nặng hơn là do người nhà không biết cách sơ cấp cứu để lấy dị vật ra càng sớm càng tốt. Phần lớn lấy tay cố móc dị vật ra mà không biết rằng làm như vậy sẽ góp phần đẩy dị vật đi sâu vào đường thở của bé. Tại cộng đồng hiện chưa có những khóa tập huấn sơ cấp cứu trong trường hợp hóc dị vật, mà chủ yếu được tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó, nhiều người cũng không quan tâm để nắm các kỹ thuật đơn giản nhưng có ý nghĩa rất quan trọng liên quan đến tính mạng của trẻ khi xảy ra trường hợp bị hóc dị vật.
Phòng tránh trẻ nuốt dị vật Theo bác sĩ Đặng Công Chánh, Phó trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, việc phòng tránh không cho trẻ nuốt dị vật rất quan trọng. Khi cho bé ăn uống không cho nằm; ngay khi trẻ vừa ăn xong cũng không cho nằm, tránh thức ăn trào ngược ra khiến trẻ bị sặc; không ép trẻ ăn uống khi đang khóc hoặc đùa giỡn khi có thức ăn trong miệng. Tuyệt đối không cho trẻ có thói quen ngậm đồ vật; không cho chơi những đồ chơi nhỏ; không cho trẻ ăn những thức ăn dễ hóc, như: đậu phộng, rau câu, nhãn, sa pô chê, táo... |
Bác sĩ Đặng Công Chánh khuyến cáo, người lớn, nhất là các bậc phụ huynh cần biết thủ thuật Heimlich - một thủ thuật tạo ra “thời gian vàng” để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở của trẻ. Với trẻ dưới 2 tuổi có thể dùng biện pháp vỗ lưng hoặc ấn ngực.
Vỗ lưng: Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất, lấy bàn tay trái banh miệng trẻ, dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ, tạo áp lực đẩy dị vật ra.
Ấn ngực: Cho trẻ nằm ngửa trên đùi trái của người sơ cứu với đầu hướng xuống đất, lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức); ấn mạnh liên tiếp theo chiều từ trên xuống dưới, từ trước ra sau.
Đối với trẻ trên 2 tuổi, người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp theo hướng từ dưới lên trên, từ trước ra sau. Nếu dị vật chưa trôi ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6-10 lần. Lưu ý, trường hợp trẻ ngưng thở thì hà hơi cho trẻ thở và lấy dị vật càng nhanh càng tốt. Sau khi thực hiện các thao tác sơ cứu, nếu dị vật vẫn không đẩy ra được thì gia đình cần khẩn trương đưa con đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Đặng Ngọc