Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng tránh bệnh học đường

09:10, 21/10/2014

Ngồi học không đúng tư thế, phòng học thiếu ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, khối lượng kiến thức quá nhiều, áp lực bài vở, thiếu ý thức phòng bệnh… là những nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh học đường thường gặp đối với học sinh.

Ngồi học không đúng tư thế, phòng học thiếu ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, khối lượng kiến thức quá nhiều, áp lực bài vở, thiếu ý thức phòng bệnh… là những nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh học đường thường gặp đối với học sinh.

Bác sĩ Ôn Thị Đào, Trạm y tế phường Trung Dũng, (TP.Biên Hòa), cho biết qua khám sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các trường học cho thấy, những bệnh học đường thường gặp ở học sinh là tật khúc xạ (gồm: cận thị, viễn thị, loạn thị), cong vẹo cột sống, rối loạn tâm lý, sâu răng, suy dinh dưỡng… Những bệnh này gây ra hậu quả về thể chất lẫn tinh thần cho thế hệ trẻ. Vì thế, các bậc phụ huynh, giáo viên và toàn xã hội cần đặc biệt quan tâm để phòng tránh.

* Những bệnh thường gặp

Tại ngày hội Mắt sáng khỏe - Em học tốt được tổ chức tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) mới đây, bác sĩ chuyên khoa mắt Dương Đức Thông, Bệnh viện 175 (TP.Hồ Chí Minh), cho biết tật khúc xạ đặc biệt là cận thị ngày càng tăng nhanh trong trường học. Khi các em đã mắc tật khúc xạ nếu không được chữa trị sớm có thể dẫn đến suy giảm thị lực, mù lòa, mất thị lực vĩnh viễn. Nếu mắc tật khúc xạ nhẹ mà được chăm sóc tốt thì có thể khỏi.

Trẻ uể oải, nằm gục xuống bàn khi phải học vào giờ trưa tại một trường tiểu học ở TP. Biên Hòa.
Trẻ uể oải, nằm gục xuống bàn khi phải học vào giờ trưa tại một trường tiểu học ở TP. Biên Hòa.

Nguyên nhân học sinh mắc tật khúc xạ do nhìn gần quá lâu, phòng học không đủ ánh sáng, ngồi quá lâu trước màn hình máy vi tính, kích thước bàn ghế không tương xứng, như: ghế quá thấp, bàn quá cao, trẻ phải cúi sát xuống sách, vở để học. Những biểu hiện thường gặp là trẻ thường nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát xuống sách, vở, đọc nhầm chữ, viết chữ không thẳng hàng, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi nhức đầu, nhức mắt, chóng mặt, buồn nôn.

Qua kiểm tra tại 809 trường học từ mầm non đến THPT trong tỉnh cho thấy, 100% số trường đều đã có tủ thuốc y tế, 554 trường đã xây dựng được phòng y tế, 624 trường có cán bộ y tế. Về điều kiện cơ sở vật chất, còn 18% trường học không đảm bảo diện tích theo quy định, thiếu sân chơi, bãi tập, 11% số trường có phòng học nhỏ hẹp, 11% trường học thiếu thông thoáng, thiếu ánh sáng và 23% trường học sử dụng bàn ghế không đúng quy cách.

Thứ hai là tật cong vẹo cột sống. Nguyên nhân là do học sinh ngồi sai tư thế lâu, như: cúi gập, ưỡn, vẹo sang phải hoặc trái do kích thước bàn ghế không phù hợp, phải mang vác cặp sách nặng, ngồi quá lâu để học bài, xem tivi, máy vi tính mà không thay đổi tư thế. Cong vẹo cột sống sẽ gây lệch trọng tâm cơ thể, khiến học sinh ngồi học không ngay ngắn, gây cản trở việc đọc, viết và làm căng thẳng thị giác. Cong, vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi.

Gần đây, nhiều trường học lên tiếng về việc có nhiều học sinh bị rối loạn tâm thần, phát triển chậm, tiếp thu bài kém. Các em thường bị mất tập trung, tiếp thu bài kém, căng thẳng, đau đầu chóng mặt, khó kiểm soát hành vi, thậm chí có biểu hiện trầm cảm, không thích nói chuyện, tiếp xúc với ai. Nguyên nhân một phần do gia đình ít quan tâm, phát hiện và chữa trị. Ngoài ra do khối lượng kiến thức quá nhiều, phải học thêm liên tục, áp lực từ phía gia đình, nhà trường khiến trẻ không có thời gian vui chơi, giải trí dẫn tới rối loạn đầu óc và trẻ cảm thấy nặng nề, gò ép.

* Cách phòng tránh

Theo bác sĩ Dương Đức Thông, để có một đôi mắt sáng đẹp và không bị tật khúc xạ, trong giờ học, học sinh cần ngồi học thẳng lưng, 2 chân khép lại, 2 bàn chân để sát nền nhà, đầu hơi cúi khoảng 10-15O. Học sinh không được cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học. Nơi học tập phải đảm bảo đủ ánh sáng, nên bố trí góc học tập gần cửa sổ. Mỗi khi học hay đọc sách khoảng 15 - 20 phút, trẻ cần rời mắt khỏi quyển sách và nhìn ra một điểm xa nào đó. Đồng thời, trẻ cần hạn chế thời gian xem tivi và sử dụng máy vi tính, không đọc sách, truyện có chữ quá nhỏ và trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm, khi quỳ. Ngoài ra, trẻ cần bổ sung vitamin cho mắt bằng cách ăn nhiều rau quả có màu vàng, màu đỏ, lá xanh đậm. Học sinh nên ăn tối thiểu 2 bữa cá/tuần để bổ sung omega 3, omega 6, tham gia các hoạt động thể thao, các trò chơi vận động ngoài trời sau những giờ học.

Trẻ cúi quá sát xuống bàn đọc sách là một trong những nguyên nhân  gây ra bệnh cận thị.
Trẻ cúi quá sát xuống bàn đọc sách là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh cận thị.

Để phòng, chống cong vẹo cột sống, trẻ cần bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng; chú ý đến những thức ăn giàu canxi như tôm, cua. Phụ huynh và giáo viên nên tăng cường thời gian cho học sinh tập thể dục - thể thao đều đặn, ngồi học đúng tư thế, không nên ngồi học quá lâu, lớp học cần bảo đảm chiếu sáng đầy đủ cả chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo, bàn ghế, bảng phải có kích thước phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học. Đặc biệt, không nên để học sinh mang vác cặp sách quá nặng.

Kết quả đánh giá, xếp loại thể lực học sinh toàn tỉnh năm học 2013-2014 cho thấy, có 29,79% học sinh trong không đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định của Bộ GD-ĐT. Tỷ lệ học sinh không đạt tiêu chuẩn thể lực cao nhất là 7 tuổi (lớp 2) với 41%. Tiếp đó là học sinh 6 tuổi (lớp 1) 39,9%, học sinh 11 tuổi (lớp 6) với 37%.

Với chứng rối loạn tâm thần, cả nhà trường và phụ huynh phải phối hợp tìm cách quan tâm, hiểu trẻ muốn gì, giảm áp lực học tập cho các em. Đồng thời, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, giao lưu để học sinh hoạt bát hơn, vui vẻ và cởi mở hơn. Không nên nạt nộ các em và có chương trình học phù hợp với năng lực để các em có thể hòa nhập tốt với bạn bè.

Bác sĩ khám sức khỏe đầu năm cho học sinh tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, TP. Biên Hòa.
Bác sĩ khám sức khỏe đầu năm cho học sinh tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, TP. Biên Hòa.

Khi trẻ có biểu hiện của những bệnh trên, gia đình nên đưa các em đi khám để có biện pháp phòng, chữa tốt nhất.

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều