Tại cuộc họp giao ban toàn ngành y tế đầu tháng 8 vừa qua, Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn đã yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng tỉnh và trung tâm y tế các địa phương cần chuẩn bị những kịch bản ứng phó cần thiết đối với dịch bệnh Ebola - loại dịch bệnh đang có tốc độ lây lan chóng mặt trên thế giới.
Tại cuộc họp giao ban toàn ngành y tế đầu tháng 8 vừa qua, Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn đã yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng tỉnh và trung tâm y tế các địa phương cần chuẩn bị những kịch bản ứng phó cần thiết đối với dịch bệnh Ebola - loại dịch bệnh đang có tốc độ lây lan chóng mặt trên thế giới.
Hành khách đến từ Trung Đông thực hiện các thủ tục khai báo y tế. Ảnh: Vietnam+ |
Trong đó, ngành sẵn sàng cho việc huy động 5 bệnh viện dã chiến khi có báo động khẩn cấp của Bộ Y tế nếu xuất hiện ca bệnh ở Việt Nam.
* Chủ động tự bảo vệ
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, có nhiều chuyên gia đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những vùng đang xảy ra dịch bệnh Ebola. Do đó, cảnh giác với dịch bệnh là không thừa. Hiện bệnh Ebola đang tiến sâu vào khu vực Đông Nam Á, Philippines đã có 7 ca nhiễm bệnh. Ứng phó khẩn cấp để ngăn chặn dịch vào Việt Nam đang được nhiều cơ quan liên quan phối hợp tiến hành.
Ebola được biết đến là bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây nên. Theo khuyến cáo của Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cao Trọng Ngưỡng, hiện virus Ebola chưa có vaccine phòng ngừa, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh lại dễ lây và tỷ lệ tử vong đến 90%. Vì thế, người dân phải chủ động tự phòng bệnh cho mình và theo dõi các triệu chứng khi mắc bệnh, đó là: sốt, nhức đầu, đau cơ và khớp, suy nhược, tiêu chảy, nôn mửa, đau dạ dày, biếng ăn..., trong một số trường hợp có thể dẫn đến xuất huyết. “Kể từ khi những triệu chứng này xuất hiện, Ebola sẽ rất dễ lây và lây nhiễm rất nhanh” - bác sĩ Ngưỡng cho hay.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus Ebola nào. Mặc dù vậy, Việt Nam đã làm việc với WHO đề nghị hỗ trợ cung cấp sinh phẩm và hỗ trợ kỹ thuật chẩn đoán, chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola gây ra, không để xâm nhập vào Việt Nam. |
Để phòng bệnh Ebola, cần tránh tiếp xúc với những người đến từ những vùng có dịch mà chưa được xác định không nhiễm bệnh của cơ quan y tế; tránh tiếp xúc với chất dịch tiết ra từ cơ thể người mắc bệnh, như: chất nhầy, nước bọt, tinh dịch, chất nôn mửa, mồ hôi hoặc máu vì virus Ebola dễ lây lan qua dịch tiết cơ thể, rửa tay thường xuyên và mang khẩu trang khi đến những nơi đông người.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo, tinh dịch của những người đàn ông đã khỏi bệnh Ebola vẫn có khả năng lây bệnh trong 7 tuần sau đó. Hoặc thi thể những người đã chết vẫn có khả năng lây nhiễm nếu người tiếp xúc gần không có sử dụng đồ bảo hộ an toàn. Để phòng bệnh, người dân không nên ăn thịt tái, sống bởi virus Ebola có thể lây nhiễm sang người từ máu, nội tạng hay chất dịch của các loài động vật nhiễm virus này.
* Không được chủ quan
Bùng phát mạnh mẽ từ tháng 3, chỉ chưa đầy 5 tháng, thế giới đã có 1.700 người mắc bệnh và hơn một nửa trong số này đã tử vong. WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh nguy hiểm này và cảnh báo nguy cơ dịch bệnh nghiêm trọng lan rộng trong những tháng tới. Cơ quan này cũng khẳng định sự lây lan nhanh chóng của virus Ebola là “bất thường” và đe dọa tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới.
Trước nguy cơ virus Ebola xâm nhập vào Việt Nam chủ yếu thông qua con đường nhập cảnh, Việt Nam đã nâng cấp độ cảnh báo với dịch bệnh nguy hiểm này. Tại hội nghị giao ban ngành ngày 8-8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo tới các địa phương cần giám sát phát hiện sớm, triển khai áp dụng tờ khai y tế tại sân bay và các cửa khẩu, khuyến cáo hạn chế đi du lịch đến các quốc gia đang có dịch, tham khảo phác đồ điều trị, chuẩn bị cơ số thuốc và sẵn sàng điều trị nếu có dịch xảy ra.
Phương Liễu