Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỹ thuật mới cho bệnh nhân bị đau lưng

09:06, 10/06/2014

Loãng xương là một bệnh lý mãn tính, âm thầm, từ từ bào mòn sức khỏe, làm giảm chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ, có thể dẫn tới tử vong do biến chứng của gãy xương.

Loãng xương là một bệnh lý mãn tính, âm thầm, từ từ bào mòn sức khỏe, làm giảm chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ, có thể dẫn tới tử vong do biến chứng của gãy xương. Gãy xẹp đốt sống là bệnh lý thường gặp nhất trong bệnh loãng xương, gây cho bệnh nhân tình trạng đau lưng, gù lưng, đi lại khó khăn hoặc không đi lại được.

Bơm cement thân đốt  sống bị xẹp cho bệnh nhân Trần Thị Hai (huyện Vĩnh Cửu).
Bơm cement thân đốt sống bị xẹp cho bệnh nhân Trần Thị Hai (huyện Vĩnh Cửu).

* Triệu chứng

Loãng xương được Tổ chức y tế thế giới (WHO) chú trọng nhiều vì các trường hợp gãy, xẹp thân đốt sống do loãng xương có khả năng gây tàn phế vĩnh viễn và tử vong cao. Theo WHO, tại Việt Nam, loãng xương gây ảnh hưởng tới 1/3 số phụ nữ và 1/5 nam giới trên 50 tuổi. Tại Mỹ, xẹp thân đốt sống xảy ra ở 25% số phụ nữ trên 50 tuổi và 40% phụ nữ trên 80 tuổi.

Trong các vùng dễ bị gãy, xẹp đốt sống là vùng thắt lưng chiếm 70% trong tổng số 33-34 đốt sống của cơ thể. Triệu chứng lâm sàng của loãng xương chỉ xuất hiện khi khối lượng xương giảm trên 30% với các biểu hiện đau xương, đi lại khó khăn, gãy xẹp đốt sống và hội chứng chèn ép thần kinh.

* Tạo hình thân sống qua da bằng cement sinh học

Tạo hình thân đốt sống gãy qua da là một kỹ thuật phẫu thuật không cần dùng dao kéo và thuốc mê. Chỉ cần gây tê tại chỗ và chọc kim chuyên dùng vào thân đốt sống rồi bơm cement sinh học từ 4-8ml để trám kín các đường gãy xương vi thể trong thân sống. Sau 15-20 phút bơm, cement sẽ đông cứng và các mảnh nhỏ xương gãy được gắn kết với nhau thành một khối, không còn hiện tượng di lệch mỗi khi vận động và người bệnh sẽ hết đau nhanh chóng.

Tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, kỹ thuật này đã được áp dụng từ năm 2013 và cho đến nay kết quả thật đáng khích lệ. Đã có gần 20 trường hợp bệnh nhân xẹp thân đốt sống, đau lưng, thậm chí không đi lại được, sau khi bơm cement thân sống,  chỉ sau 1-2 ngày, bệnh nhân đi lại bình thường và có thể xuất viện.

Lịch sử tạo hình thân sống qua da được thực hiện đầu tiên 1985 tại Pháp, các bác sĩ bơm cement cho những bệnh nhân bị u máu thân đốt sống cổ. Năm 1995 được thực hiện tại Mỹ và năm 2000 tại Singapore. Năm 2001, các bác sĩ Mỹ đã thực hiện thêm phương pháp Kyphoplasty và cement cho thêm chất cản quang vào để có thể nhìn thấy trên màn hình tăng sáng khi bơm, tránh được biến chứng cement tràn ra xung quanh thân sống. Tại Việt Nam, phương pháp này bắt đầu thực hiện vào năm 2008. Năm 2013, kỹ thuật này được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất với gần 20 bệnh nhân được bơm cement thành công.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Viên, 55 tuổi ở xã Xuân Lập (TX.Long Khánh) bị đau thắt lưng hơn 2 năm và đã điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng không khỏi. Tháng 3 vừa qua, ông Viên vào Bệnh viện đa khoa Thống Nhất trong tình trạng phải ngồi xe lăn do không thể đi lại. Tại đây, ông đã được bác sĩ Hoàng Văn Thuận và các bác sĩ khoa ngoại thần kinh thực hiện kỹ thuật bơm cement thân đốt sống  L1 và L2. Chỉ sau 4 giờ, ông đã có thể đứng lên và đi lại bình thường. Hoặc bà Trần Thị Hai, 66 tuổi ở ấp 5, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) cũng đã nhiều năm sống trong tình trạng đi lại đau đớn. Được thực hiện kỹ thuật này, bà Hai đã xuất viện chỉ sau 2 ngày trong tư thế đi lại bình thường.

* Trường hợp nào cần bơm cement thân sống?

Những trường hợp có chỉ định bơm cement thân sống, gồm: gãy, xẹp đốt sống do loãng xương; gãy lún đốt sống đơn thuần hoặc một  số trường hợp gãy lún nhiều mảnh; u máu thân sống đã gãy hoặc chưa gãy.

Tuy nhiên, kỹ thuật này chống chỉ định với các trường hợp gãy, xẹp thân đốt sống đã có chèn ép tủy hoặc rễ thần kinh.

* Lợi ích của tạo hình thân sống qua da

Kỹ thuật này đơn giản, nhẹ nhàng, chỉ cần gây tê tại chỗ mà không cần gây mê; giảm đau nhanh; thời gian nằm viện ngắn. Đối với các trường hợp gãy, xẹp thân sống do loãng xương thì tạo hình thân sống qua da bằng cement sinh học gần như là giải pháp duy nhất có hiệu quả trong việc giảm đau cho người bệnh.

Việc giảm đau sẽ làm cho bệnh nhân vận động lại bình thường, ngăn ngừa tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, tăng thêm nguy cơ loãng xương do nằm lâu, giảm thiểu nguy cơ gây tử vong, đặc biệt ở người lớn tuổi.

Tuy tạo hình thân sống qua da mang lại nhiều lợi ích, nhưng đây chỉ là biện pháp giảm đau điều trị phần ngọn. Biện pháp căn bản là phải điều trị loãng xương phần  gốc mới có thể ngăn ngừa các đốt sống khác có nguy cơ gãy, xẹp tiếp sau đó.

Bác sĩ Hoàng Văn Thuận (Trưởng khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất)

 

 
 

 

Tin xem nhiều