Tiêm phòng sởi 1 mũi chưa đủ khả năng tạo miễn dịch cao cho trẻ, cần tiêm đủ 2 mũi theo chương trình vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, một số trường hợp không nên tiêm vaccine sởi.
Tiêm phòng sởi 1 mũi chưa đủ khả năng tạo miễn dịch cao cho trẻ, cần tiêm đủ 2 mũi theo chương trình vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, một số trường hợp không nên tiêm vaccine sởi.
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, cho biết vì nhiều lý do, thời gian gần đây nhiều người nghĩ rằng tiêm vaccine là nguy hiểm nên không cho con đi tiêm chủng đầy đủ, dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh vốn được thanh toán trở lại rất cao. Vì vậy, cha mẹ đặc biệt lưu ý, cần cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình.
* Tiêm đủ liều, đúng lịch
Cũng cần biết, tuổi mắc bệnh sởi thông thường ở trẻ là từ sau 6 tháng. Tuy nhiên trong các trường hợp mắc bệnh gần đây, vẫn có những trẻ ở độ tuổi trước 6 tháng. Những trường hợp này có thể do mẹ chưa tiêm phòng sởi trong lúc cho con bú, hoặc có tiêm nhưng chưa đáp ứng miễn dịch với sởi nên vẫn chưa có kháng thể bảo vệ con.
Dù tuổi tiêm vaccine sởi là 9 tháng tuổi, nhưng vẫn có thể tiêm cho trẻ trong giai đoạn từ 6 - 8 tháng tuổi. Tuy nhiên, những trường hợp tiêm trước 9 tháng tuổi, khi đến đủ 9 tháng tuổi, đều phải tiêm ngay vaccine sởi theo chương trình mục tiêu quốc gia. Mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là 1 mũi vaccine, do lúc đó cơ thể của trẻ đáp ứng chưa tốt vaccine nên việc tạo ra sức đề kháng để phòng ngừa bệnh ở trẻ chưa cao, vẫn có thể mắc bệnh sởi. Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt.
Phụ nữ cho con bú trong độ tuổi từ 0-5 tháng tuổi có thể tiêm vaccine sởi để tạo kháng thể bảo vệ con qua việc bài tiết qua sữa mẹ, giúp trẻ khỏi mắc sởi khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch. Sau tiêm vaccine, trẻ có thể bị nhiễm sởi nhưng ở mức độ nhẹ và thường không gây lây nhiễm. Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine sởi là rất hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra. Các trường hợp sốt, nhiễm trùng cấp tính đang tiến triển cần tạm hoãn tiêm, khi khỏi có thể tiêm được.
* Những trường hợp không nên tiêm
Theo khuyến cáo của bác sĩ Ngưỡng, một số trường hợp không nên tiêm vaccine sởi:
Không tiêm khi cơ địa của trẻ có dị ứng với vaccine; không tiêm sởi cho phụ nữ có thai; không tiêm cho các trường hợp suy giảm miễn dịch (người nhiễm HIV, viêm gan B,C, tiêu chảy cấp); đối với những trường hợp nghi ngờ mắc sởi trước đây, nhưng không được chẩn đoán mắc sởi vẫn cần tiêm vaccine sởi.
Khi tiêm vaccine sởi, nếu vì lý do nào đó mà tiêm không đủ liều (như trẻ quấy đạp làm thuốc tiêm bị chảy ra ngoài), cũng không được tiêm bù mà phải đợi đến mũi vaccine thời điểm kế tiếp.
Nếu đã tiếp xúc với nguồn bệnh có virus sởi, tiêm vaccine sởi có thể phòng được bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc. Việc tiêm vaccine trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh
Tuy nhiên, những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính không cần tiêm vaccine sởi.
Phương Liễu