Theo các nhà tâm thần học, sự thay đổi của môi trường sống tạo ra những phản ứng của cơ thể, những phản ứng này gây căng thẳng thần kinh. Hiện tượng này được gọi là stress.
Theo các nhà tâm thần học, sự thay đổi của môi trường sống tạo ra những phản ứng của cơ thể, những phản ứng này gây căng thẳng thần kinh. Hiện tượng này được gọi là stress.
Stress thường xuyên xảy ra trong cuộc sống. Ai, lúc nào và ở đâu cũng có thể gặp phải stress. Nếu không biết cách “dọn dẹp” và giải quyết những stress này, những ảnh hưởng của nó sẽ tác dụng tiêu cực đến sức khỏe của bản thân.
* Những nguyên nhân gây stress
Gần một tháng nay, chị Th.H (ở phường Hố Nai, TP. Biên Hòa) cảm thấy mình như không muốn đi đâu, làm gì và cảm thấy đau nhức toàn thân. Chị H. cũng tỏ ra bực mình và không hài lòng với những gì người thân làm trong gia đình. Tâm trạng chán nản đã khiến chị H. sút đến 3 kg vì không còn thiết gì đến ăn uống, nghỉ ngơi…
Đo điện não đồ tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2 để điều trị cho bệnh nhân bị stress gây căng thẳng thần kinh. Ảnh: P.Liễu |
Khi đến bác sĩ tâm lý tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2, chị mới biết mình bị stress nặng sau quá trình làm việc luôn trong tình trạng căng thẳng quá mức và kéo dài. Bác sĩ đã yêu cầu chị nghỉ hoàn toàn công việc, tĩnh dưỡng từ 1-2 tuần và đặc biệt, cố gắng thư giãn tinh thần bằng những việc làm tích cực, vui vẻ. Bác sĩ cũng khuyến cáo, chị H. đang đứng bên bờ vực của bệnh lý do stress gây nên. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nếu không được can thiệp kịp thời.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Cầu, Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2, trong cuộc sống có rất nhiều yếu tố tác động, gây nên stress cho con người, như: điều kiện sống khó khăn, căng thẳng trong công việc, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, bất hòa với người xung quanh, căng thẳng trong học hành, thi cử hoặc những mất mát về tình cảm, thay đổi tâm sinh lý ở những giai đoạn tuổi tác… Tuy nhiên, stress có gây bệnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp. Có 2 yếu tố quan trọng là tính chất nặng nề của stress và sức chống đỡ của bản thân người bị stress.
Stress gây bệnh thường là những tác động tâm lý mạnh, như: người thân chết đột ngột, tổn thất lớn về kinh tế, thất vọng vì kỳ vọng quá nhiều vào một việc gì đó… Hoặc những căng thẳng tuy không tác động mạnh nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, gây căng thẳng nội tâm thì cũng có khả năng gây bệnh.
* Có thể phòng tránh
Ở một mức độ nào đó, theo bác sĩ Cầu, stress là cần thiết cho đời sống, nó tạo ra động cơ, thách thức đòi hỏi mỗi người phải huy động các nguồn lực bản thân để vượt qua và tiếp tục tồn tại, hoàn thiện mình hơn. Nhưng ở một số trường hợp, nếu để stress vượt quá ngưỡng sẽ trở nên nguy hiểm cho sức khỏe, đời sống tinh thần, thậm chí dẫn đến cái chết nếu cơ thể không thể thích ứng được.
Trước những tác động gây căng thẳng, nếu người bệnh nhận thức được tình huống và biết cách giải quyết cơ thể sẽ dần tạo ra những phản ứng thích hợp. Ngược lại không chống đỡ được, bệnh lý sẽ xuất hiện. Có nhiều biểu hiện bệnh lý khác nhau của stress, như: lo âu, trầm cảm, khó thở, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp... |
Stress và những tác hại của stress có thể phòng tránh được không? Câu trả lời từ những chuyên gia tâm thần là hoàn toàn có thể. Theo nghiên cứu của ngành y học tâm thần, những người có tính cách bi lụy, kém tự tin, hay xúc động, khó làm chủ bản thân thường dễ bị stress làm cho gục ngã. Vì thế, việc rèn luyện tính cách làm chủ bản thân, tự tin trong giao tiếp sẽ giúp người đó chống đỡ được những tác động xấu của stress đến tinh thần và sức khỏe bản thân. Người nào có kỹ năng sống càng phong phú, có khả năng hòa nhập cộng đồng tốt sẽ càng dễ chống đỡ và giải quyết được khi rơi vào những tình huống stress.
Bên cạnh đó, việc rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, trí óc minh mẫn, cuộc sống lành mạnh, sống trong một môi trường thuận lợi sẽ là những yếu tố có tác động rất lớn việc ngăn ngừa nguy cơ bị stress, cũng như hỗ trợ việc giải quyết hiệu quả các stress khi nó đến.
Phương Liễu