Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng bệnh mùa nắng nóng

10:03, 25/03/2014

Theo bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, thời tiết nắng nóng là cơ hội cho nhiều loại dịch bệnh phát triển ở cả trẻ em và người già.

Theo bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, thời tiết nắng nóng là cơ hội cho nhiều loại dịch bệnh phát triển ở cả trẻ em và người già.

Vì thế, việc phòng tránh bệnh cần phải chủ động bắt đầu từ gia đình.

* Một số bệnh dễ gặp

Bệnh lý hô hấp: Những bệnh hô hấp thường gặp khi thời tiết giao mùa là: viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm phổi. Bệnh nhân có tiền sử viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, mùa này cũng dễ bị lên các cơn kịch phát, dễ dẫn đến nhiễm trùng hô hấp... Vì thế,  những bệnh nhân có tiền sử bị bệnh hô hấp nên chủ động phòng tránh bằng việc giữ ẩm cho mũi, không để niêm mạc mũi bị khô do mất nước, vi khuẩn dễ xâm nhập.

Mùa nắng, trẻ em dễ bị các bệnh ngoài da. Ảnh: P.Liễu
Mùa nắng, trẻ em dễ bị các bệnh ngoài da. Ảnh: P.Liễu

Các bệnh về da: Thời tiết nắng nóng bất thường, độ ẩm cao là điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển. Đây là  cơ hội cho một số bệnh về da, như: rôm sảy, mụn nhọt, ghẻ chốc phát tán. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, làn da mỏng và nhạy cảm hơn nên dễ bị bệnh này. Bệnh gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu khiến giấc ngủ của bé không yên.

Bệnh lý tiêu hóa: Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp rất dễ xảy ra khi nắng nóng kéo dài. Ở điều kiện này, nấm mốc, vi khuẩn phát triển khiến thức ăn mau hư hỏng và dễ ôi thiu hơn. Nếu không cẩn thận sẽ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy. Tốt nhất là mùa nắng nóng cao, không nên ăn thức ăn đường phố, những thức ăn chế biến sẵn để quá 4 giờ đồng hồ.

Bệnh lý về tim mạch: Bệnh nhân có tiền sử tim mạch dễ trở nặng hơn hoặc không còn đáp ứng với điều trị thông thường khi điều kiện nhiệt độ cao kéo dài. Các bệnh có thể gặp là: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và tai biến mạch máu não, đặc biệt là người già. Bởi trời quá nắng nóng, đổ mồ hôi nhiều gây mất nước, nếu không uống đủ nước để bù lại, máu dễ bị cô đặc lại làm tăng gánh nặng cho tim và cản trở đường lưu thông của máu. Tình trạng này dễ khiến mạch máu bị tắc nghẽn gây nhiều biến chứng.

* Chủ động phòng ngừa

Theo bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh mùa nắng nóng là hạn chế ra nắng khi không cần thiết, uống đủ nước, thường xuyên lau mát cơ thể. Nên ăn thức ăn mới nấu chín, ăn nhiều trái cây để tăng cường sức đề kháng. Với những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, nếu thấy có những dấu hiệu khác thường nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.

Một trẻ bị viêm phổi được thăm khám tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Một trẻ bị viêm phổi được thăm khám tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Nếu sử dụng máy lạnh, nên điều chỉnh ở nhiệt độ 27-28OC. Tránh để nhiệt độ quá thấp, gây sự chênh lệch cao so với thời tiết bên ngoài sẽ làm cho cơ thể khó thích ứng. Đặc biệt ở người già, sự thay đổi đột ngột rất có hại do không kịp thích ứng khi mạch máu co lại đột ngột. Khi tắm cũng không nên để nước lạnh vì sẽ càng làm cho mạch co thêm, có thể kích thích những cơn đau thắt ngực và thậm chí cả nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra, nên mặc đồ thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi. Không mặc quần áo chật bó sát người gây khó thở và làm rối loạn trao đổi nhiệt của cơ thể. Hạn chế đến chỗ đông người vì dễ làm cho người ta bị thiếu ôxy, dẫn đến bị ngất, chóng mặt và huyết áp tăng. Cũng không nên chơi thể thao quá sức, vì sẽ làm tăng khả năng tạo nhiệt (gấp 5 lần), làm cạn nguồn dự trữ nước của cơ thể.

Phương Liễu (ghi)

 

 

Tin xem nhiều