Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân biệt các chủng loại cúm

10:03, 04/03/2014

Thời gian gần đây, người dân nghe nhiều về các loại cúm, như: H1N1, H2N3, H5N1,H7N9… và cảm thấy hoang mang vì không biết chủng loại cúm nào có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người và từ người sang người, cơ chế lây lan ra sao, tác động đến sức khỏe con người như thế nào…

Thời gian gần đây, người dân nghe nhiều về các loại cúm, như: H1N1, H2N3, H5N1,H7N9… và cảm thấy hoang mang vì không biết chủng loại cúm nào có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người và từ người sang người, cơ chế lây lan ra sao, tác động đến sức khỏe con người như thế nào…

Cơ chế lây lan cúm A.
Cơ chế lây lan cúm A.

Để người dân hiểu hơn về các chủng loại cúm, bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, đã có những phân tích sau.

* Bệnh cúm là gì?

Bệnh cúm (Influenza/flu) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ gây thành dịch lớn do nhiễm virus cúm. Biểu hiện lâm sàng là: nhức đầu, đau toàn thân, sốt, ho và mệt mỏi. Bệnh ảnh hưởng lên đường hô hấp trên và dưới. Thông thường bệnh tự khỏi sau từ 3-7 ngày. Nhưng có chủng loại có thể gây biến chứng nặng, nguy hiểm nhất là viêm phổi do vi khuẩn và suy đa tạng.

* Các chủng loại virus cúm

Cúm ở người có 3 chủng: A, B và C, nhưng gây đại dịch lớn trên thế giới chủ yếu là cúm A virus cúm (Influenza A virus).

 Loại cúm A (thuộc chủng Influenza A virus), gồm các loại: H1N1, H1N2, H2N2, H3N1, H3N2, H3N8, H5N1, H5N2, H5N3, H5N8, H5N9, H7N1, H9N2, H10N7. Vật chủ mang mầm bệnh là: người, heo, chim, ngựa.

 Loại cúm B (chủng Influenza B virus). Vật chủ mang mầm bệnh là người và hải cẩu.

 Cúm C (chủng Influenza C virus). Vật chủ mang mầm bệnh là:  người, heo.

Trong khi cúm B và C chỉ có một chủng, thì cúm A được phân thành nhiều chủng. Người ta đã tìm thấy 16 loại kháng nguyên H (từ H1 đến H16) và 9 kháng nguyên N (từ N1 đến N9). Nghĩa là có tất cả 144 tập hợp các loại virus cúm A. Trong đó, những chủng có thể  gây bệnh cho người, gồm: H1-H2-H3-H7 và N1-N2-N9.

Gần đây, cúm gia cầm H5N1 cũng gây bệnh cho người do lây trực tiếp từ gia cầm sang, nhưng chưa xác định được chủng này có biến dạng thành cúm để lây từ người sang người hay không. Còn H7N9 cũng chưa xác định có lây từ người sang người, nhưng tại Trung Quốc đã xuất hiện những trường hợp tử vong do nhiễm cúm H7N9.

* Thuốc phòng bệnh cúm

Hiện các bệnh cúm thông thường đã có vaccine phòng bệnh. Vaccine này được khuyến cáo nên tiêm cho phụ nữ trước khi mang thai và trẻ nhỏ.

Trong dự phòng, theo bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, sử dụng thuốc Tamiflu. Thuốc làm giảm khoảng 50% thời gian khởi phát bệnh, giảm các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả hơn khi dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường. Tamiflu ngăn chặn sự lây nhiễm trong gia đình và cộng đồng với hiệu lực bảo vệ khoảng 80%. Tamiflu làm giảm sự bài tiết dịch ở đường hô hấp, rút ngắn thời gian điều trị trung bình 1,38 ngày ở người lớn và 1,5 ngày ở trẻ em so với khi không điều trị bằng thuốc kháng cúm. Tamiflu chỉ có tác dụng nếu được dùng trong 48 giờ kể từ khi bệnh khởi phát và chỉ dùng điều trị cho những người bị cúm không biến chứng từ 1 tuổi trở lên.

* Triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh cúm

Trong các chủng cúm, thì H1N1, H5N1 và H7N9 là nguy hiểm nhất đối với con người. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, dụng cụ có dính virus.

Tamiflu có một số tác dụng phụ. Khoảng gần 10% bệnh nhân dùng thuốc bị các triệu chứng: buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt. Có thể gây co thắt phế quản đối với người có bệnh hen hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.  Hiện nay chưa có nghiên cứu Tamiflu có an toàn đối với thai nhi và đối với bệnh nhân có biến chứng hay không.

Biểu hiện khi mắc những chủng virus này là sốt, ho, tức ngực, suy hô hấp nặng. Nếu biến chứng, người bệnh bị tổn thương đa phủ tạng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Riêng chủng cúm A/H7N9, bệnh diễn biến rất nhanh, gây tử vong nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Có khi người bệnh tử vong chỉ trong 1 giờ sau khi bệnh khởi phát. Điều đặc biệt, nếu các chủng H1N1 và H5N1 có biểu hiện trên đàn gia cầm, thì chủng H7N9 rất khó phát hiện nguồn xuất phát bệnh, khó khoanh vùng dập dịch vì không có biểu hiện trên đàn gia cầm.

Vì thế, theo bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, việc phòng ngừa bệnh cúm A cần phải được mỗi người dân nâng cao ý thức. Đó là không tiếp xúc, không ăn thịt các loại gia cầm bị bệnh, gia cầm không rõ nguồn gốc; thực hiện ăn chín, uống sôi, chỉ nên ăn các loại thịt gia cầm, thủy cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch và tiêm phòng bệnh; giữ vệ sinh môi trường và thân thể sạch sẽ; nếu trong nhà có người có những dấu hiệu bệnh, cần sớm đưa đến bệnh viện. Nếu theo dõi  ở nhà, cần cách ly và không dùng chung đồ dùng với người bệnh.

Phương Liễu (ghi)

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều