Thưa bác sĩ, con gái tôi có thai lần đầu, nay đã được 7 tháng, nhưng cháu có những dấu hiệu bất thường, như: phù toàn thân, huyết áp cao và lên cân rất nhanh (đã tăng 15 kg). Đi bác sĩ được chẩn đoán là nhiễm độc thai nghén. Vậy nhiễm độc thai nghén là gì và nó nguy hiểm như thế nào với sản phụ?
Hỏi: Thưa bác sĩ, con gái tôi có thai lần đầu, nay đã được 7 tháng, nhưng cháu có những dấu hiệu bất thường, như: phù toàn thân, huyết áp cao và lên cân rất nhanh (đã tăng 15 kg). Đi bác sĩ được chẩn đoán là nhiễm độc thai nghén. Vậy nhiễm độc thai nghén là gì và nó nguy hiểm như thế nào với sản phụ?
(Đặng Ngọc Chi, 55 tuổi, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa)
Đáp: Theo mô tả của bà cho thấy thai phụ có thể bị nhiễm độc thai nghén. Muốn xác định cần phải có một số xét nghiệm. Thời gian gần đây, số lượng sản phụ bị nhiễm độc thai nghén có gia tăng.
Nhiễm độc thai nghén là một bệnh lý có thể gây những biến chứng nguy hiểm, dẫn đến sảy thai, sinh non hay tiền sản giật, sản giật.
Những dấu hiệu nhận biết
Phù chân:
Tuy những tháng cuối của thai kỳ nhất là 3 tháng cuối, sản phụ thường bị phù chân, nhưng hiện tượng này còn là một trong những dấu hiệu nhiễm độc nguy hiểm đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nếu ấn ngón tay vào mắt cá chân rồi nhấc ra, sẽ thấy xuất hiện dấu lõm của các ngón tay. Với những trường hợp phù nặng có thể gây phù toàn thân.
Để phân biệt phù do nhiễm độc thai nghén hay phù bình thường, thai phụ cần chú ý: Nếu ngủ gác chân lên cao, sau một đêm hiện tượng phù chân biến mất thì đó là hiện tượng phù chân bình thường trong thai kỳ cuối. Nếu thực hiện nhưng hiện tượng phù vẫn còn, lúc này phải nghĩ đến nhiễm độc thai nghén. Thai phụ cần đến gặp bác sĩ chuyên môn.
Tăng cân nhanh:
Ngoài phù chân, thai phụ bị nhiễm độc thai nghén còn thường có hiện tượng tăng cân rất nhanh. Một tuần có thể tăng tới từ 0,5-1kg, nguyên nhân là do cơ thể bị giữ nước. Khi phát hiện những dấu hiện trên, thai phụ cần sớm vào bệnh viện để bác sĩ làm các xét nghiệm đạm niệu để chẩn đoán chính xác.
Huyết áp tăng:
Nếu đo huyết áp cho thai phụ và thấy lên đến 140/90mmHg, thai phụ cần được theo dõi cẩn thận và điều trị nhiễm độc thai nghén để phòng ngừa tiền sản giật và sản giật.
Những biến chứng nguy hiểm
Với những thai phụ được xác định là nhiễm độc thai nghén, cần được khám và điều trị kịp thời. Điều này giúp thai phụ tránh những biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tiền sản giật và sản giật, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Tình trạng tiền sản giật có thể xảy ra trước khi sinh, sản phụ bị choáng váng, mắt mờ, buồn nôn, phù hai chân dưới, tiểu ít, huyết áp cao. Còn sản giật có thể xảy ra ở những tháng cuối của thai kỳ, trong khi chuyển dạ hoặc sau sinh. Đối với những trường hợp sau sinh, dân gian thường gọi là hậu sản. Sản giật khiến cho thai phụ bị co giật mạnh, toàn cơ thể co cứng, ngừng thở và chuyển rất nhanh sang giật run, co giật mạnh ở mặt và tay chân, sau đó co giật giảm dần, sản phụ bị hôn mê. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến suy tim, phù phổi, chảy máu não, thậm chí dẫn đến tử vong.
Nhiễm độc thai nghén rất nguy hiểm đối với thai phụ. Do đó, con gái bà cần tuân thủ lịch khám thai nghiêm ngặt để được bác sĩ theo dõi những diễn biến bất thường của thai kỳ để có những quyết định kịp thời.
Chúc con gái bà sớm mẹ tròn con vuông.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan
Trưởng khoa sản 1 (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai)