Báo Đồng Nai điện tử
En

Fastfood - "bạn thân" béo phì

03:03, 26/03/2014

Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa fastfood (thức ăn nhanh) với chứng béo phì ở trẻ em. Thế nhưng, fastfood vẫn có sức hấp dẫn lớn.

Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa fastfood (thức ăn nhanh) với chứng béo phì ở trẻ em. Thế nhưng, fastfood vẫn có sức hấp dẫn lớn.

Vào chiều tối, nhất là thứ bảy và chủ nhật, cửa hàng K. trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa) không còn một chỗ trống. Trên cùng con đường cách đó gần 100m, tại cửa hàng L., khách hàng phải xếp hàng chờ đến lượt mình để chọn thức ăn và trả tiền.

* Ngon miệng, tiện lợi và… mốt

Người ta đi ăn fastfood vì nhiều lý do. Chị Nguyễn Ngọc Nhiên (26 tuổi, ở phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa), một khách hàng có thẻ thành viên của J., nói: “Tôi đưa con đến đây ăn cho tiện, cháu rất thích mà tôi cũng khỏi mất công nấu nướng”. Còn chị Lan Anh, một nhân viên ngân hàng, cũng thường đưa con đến ăn gà rán ở cửa hàng K. gần ngay trường con học. Vì buổi chiều tối con phải đi học thêm, nên vừa đón con ra khỏi trường là mẹ con  chị vào ngay tiệm fastfood.

Không chỉ là nơi ăn uống, ở TP. Biên Hòa các cửa hàng fastfood còn là điểm lựa chọn của nhiều cha mẹ khi tổ chức sinh nhật cho con cũng như họp mặt gia đình. Chị Trần Dạ Thảo (phường Trung Dũng) cho biết: “Đã 3 năm nay, năm nào tôi cũng tổ chức sinh nhật cho con ở cửa hàng K.. Do bận rộn không nấu nướng được, nên tôi cho các cháu ra tiệm fastfood là gọn nhất. Ở đó, các cháu được ăn uống, được tặng quà, vui chơi… mình lại không phải nấu nướng, dọn rửa gì. Khỏe”.

* Béo phì đồng hành cùng fastfood

Chị T.N. (ở phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, hầu như tuần nào con chị cũng đòi mẹ cho đi ăn fastfood từ 1-2 lần. Vì thế, tuy mới 9 tuổi, chiều cao chỉ 1,23m, nhưng con chị đã nặng đến 40 kg. Nếu theo chuẩn của Trung tâm dinh dưỡng TP.Hồ Chí Minh, Tuấn thừa đến 12 kg so với cân nặng theo chiều cao và độ tuổi.  “Cháu béo quá, gia đình cũng đã bớt khẩu phần ăn của cháu nhưng thấy con thòm thèm, tội nghiệp lại cho ăn” - chị Ngân nói thêm.

Theo bác sĩ Hà Văn Thiệu, 10% trẻ em béo phì là chỉ số đáng báo động. Trẻ béo phì khi trưởng thành sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nhiều hơn người có thể trạng bình thường. Chẳng hạn, nguy cơ mắc bệnh mạch vành gấp 2 lần, mắc bệnh xơ vữa mạch máu gấp 7 lần, tai biến mạch máu não gấp 13 lần. Ngoài ra, béo phì còn tác động xấu đến sự phát triển trí tuệ và tâm lý lứa tuổi của trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Đẹp, Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết: “Mỗi ngày khoa khám dinh dưỡng cho khoảng 100 trẻ, nhưng có đến 2/3 trong số này ở thể thừa cân, béo phì. Khi hỏi về chế độ ăn uống của trẻ, nhiều cha mẹ cho biết con họ thường xuyên ăn thức ăn nhanh… tại các cửa hàng fastfood”.

Không thể phủ nhận fastfood khá tiện lợi, cung cấp nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng. Nhưng nếu lạm dụng loại thức ăn nhanh này sẽ dẫn đến thừa năng lượng, thiếu vitamin và các chất xơ. Hệ lụy là cơ thể thừa cân, béo phì.

Một nghiên cứu về căn bệnh béo phì ở Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố năm 2011 đã đưa ra con số trẻ béo phì tại TP.Hồ Chí Minh là 12% và tại Hà Nội là 10,2%. Và, có đến hơn 70% số trẻ béo phì này là “fan” hâm mộ fastfood. Năm 2012, khảo sát về trẻ béo phì của bác sĩ Hà Văn Thiệu, Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, tiến hành cho kết quả có 10% học sinh ở độ tuổi tiểu học và THCS tại Biên Hòa bị béo phì.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều