Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng niu sự sống

08:02, 25/02/2014

Trong đời những bác sĩ từng cầm dao phẫu thuật có lẽ đều trải qua những cung bậc cảm xúc từ đớn đau, dằn vặt, thao thức đến vỡ òa sướng vui khi cứu sống được bệnh nhân…

 

Trong đời những bác sĩ từng cầm dao phẫu thuật có lẽ đều trải qua những cung bậc cảm xúc từ đớn đau, dằn vặt, thao thức đến vỡ òa sướng vui khi cứu sống được bệnh nhân…

Nếu ví ca phẫu thuật như một buổi biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng, thì thành công của nó không chỉ phụ thuộc vào tài năng của người nhạc trưởng,  mà còn là của mỗi nhạc công thầm lặng …

* Nhạc công thầm lặng

Cuộc đại phẫu cứu sống bệnh nhân T.T.D. bị máy cuốn đứt nửa người tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được xem là một “buổi hòa tấu” không lỗi nhịp. Đây là một ca chấn động trong làng y Việt Nam và có thể đi vào y văn thế giới. Bác sĩ Ngô Đức Đễ, Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - người phẫu thuật chính cho D., tâm sự: “35 năm trong nghề, tôi chưa từng gặp một tai nạn nào có mức độ tổn thương lớn đến thế. Dù tiên lượng khả năng sống của bệnh nhân rất mong manh, nhưng còn nước còn tát. Anh em chúng tôi đã có những giờ phút căng thẳng như không thể chịu đựng hơn khi 2 lần bệnh nhân ngưng tim trên bàn mổ... Phẫu thuật xong, kíp mổ chưa hết lo âu vì 6  giờ sau bệnh nhân mới ra khỏi tình trạng hôn mê”.

Phẫu thuật nội soi một cổng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu
Phẫu thuật nội soi một cổng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu

 Phẫu thuật vất vả, giai đoạn điều trị hậu phẫu cũng không hề đơn giản, bởi bệnh nhân tiếp tục bị choáng, có nguy cơ nhiễm trùng nặng. Đặc biệt là tình trạng các mô dập nát hoại tử gây suy gan, suy thận, tràn dịch màng phổi, rối loạn điện giải… Dù đã tiên lượng và cố ngăn chặn, nhưng điều nguy hiểm đó vẫn xảy ra. Nửa đêm của ngày thứ 8 sau phẫu thuật, các bác sĩ của kíp mổ lại được huy động để tận lực cứu bệnh nhân.

Bác sĩ Hà Văn Dần, Trưởng khoa gây mê hồi sức của bệnh viện, cho biết: “Nếu không có sự phối hợp ăn ý, có lẽ chúng tôi khó có thể cứu sống  bệnh nhân  T.T.D. hay mới đây là sản phụ Đỗ Thị Diệu Huyền, 33 tuổi (phường Trảng Dài) bị thuyên tắc ối đã cứu được cả mẹ lẫn con”.

Trước đó, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng đã cứu sống bệnh nhân Ngô Văn Liêm bị đa chấn thương nặng với tình trạng vỡ sọ não, tụ khí nội sọ, tổn thương sâu vùng ngực bụng gây vỡ gan, vỡ tim, vỡ đôi thân eo tụy, rách ngang túi mật... Ca phẫu thuật kéo dài 10 tiếng đồng hồ. Khi mũi chỉ cuối cùng được gút lại trên ngực bệnh nhân, thì cũng là lúc nhiều bác sĩ lảo đảo bước ra khỏi phòng mổ. Áp lực, căng thẳng, mệt nhoài nhưng niềm vui của họ là bệnh nhân được cứu sống.

* Những đôi tay cần bảo hành

Gần 30 năm trong nghề, bác sĩ Đinh Gia Chưng, Trưởng khoa ngoại lồng ngực (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất), không nhớ được mình đã thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật, cứu sống bao nhiêu trường hợp vỡ tim, thủng tim…nhưng có một điều ông luôn phải nhớ là giữ gìn đôi tay mình khỏe, sạch để  thao tác chính xác. Với một chuyên gia y tế về tim mạch, đôi tay bác sĩ Chưng luôn nâng niu khi sự sống của bệnh nhân treo trên mũi dao mổ…

Gặp bác sĩ Ngô Đức Đễ khi ông mới vừa “tăng cường” mổ cấp cứu cho một bệnh nhân bị chấn thương nặng tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành về. Vẫn phong thái giản dị, mái tóc nhiều sợi bạc và nụ cười làm ấm lòng người đối diện, bác sĩ Đễ tâm sự chuyện nghề: “Suốt hơn 30 năm cầm dao mổ, ở những ca tổn thương nặng, đôi tay người thầy thuốc không đơn giản chỉ thao tác chuyên môn, mà còn phải khéo léo để giành giật và nâng niu sự sống của một con người”.

Hiện ở Đồng Nai, những đôi tay “vàng” trong phẫu thuật chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những đôi tay ấy cần được bảo hành và giữ gìn như một tài sản quý - dù các thầy thuốc đều hiểu nghề y là nghề không tránh được rủi ro, đặc biệt trong phẫu thuật. Song, với tinh thần không chấp nhận bỏ cuộc, những đôi tay ấy đã làm tất cả để giành lại sự sống cho người bệnh.  Bởi phía sau bệnh nhân, là hạnh phúc của nhiều người thân trong gia đình...

Tâm huyết với nghề phẫu thuật nhi khoa, bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai xứng đáng đứng vào hàng những chuyên gia phẫu thuật tài năng của ngành y Đồng Nai. Gần chục năm về trước, bác sĩ Tầm đã được biết đến với những nghiên cứu sử dụng siêu âm để điều trị gãy xương không qua phẫu thuật, phẫu thuật tạo lỗ thông tiểu và tạo hình hậu môn trực tràng cho bệnh nhi không có hậu môn.

Gần 20 năm trong nghề, bác sĩ Hoàng Văn Minh, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, một chuyên gia giỏi trong phẫu thuật sọ não và cột sống nhớ hoài ca mổ sọ não liên tục 9 tiếng đồng hồ cách đây 5 năm.  “Khi đóng xong hộp sọ cho bệnh nhân, buông dụng cụ mổ cũng là lúc tôi ngất đi và đồng nghiệp phải đưa tôi đi cấp cứu”. Ông cho rằng: “Bác sĩ phẫu thuật dù có đôi tay khéo léo cách mấy, nhưng luôn phải xác định giới hạn mà mình có thể đạt được và phải biết dừng lại đúng lúc. Nếu muốn làm tốt cho bệnh nhân, trước hết đừng làm gì hại cho họ. Y khoa là nghề không có điềm dừng, càng làm, càng học, càng rút ra được nhiều điều, càng thấm thía được rằng hiểu biết của bác sĩ là có hạn”.

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều