Bệnh sởi đang bùng phát trở lại sau nhiều năm yên ắng. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ghi nhận bệnh sởi đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Bệnh sởi đang bùng phát trở lại sau nhiều năm yên ắng. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ghi nhận bệnh sởi đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, cho biết tại Đồng Nai đã xuất hiện những ca bệnh sởi ở thể nhẹ, điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan và cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là tiêm chủng.
* Lỗ hổng tiêm chủng
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng cũng cho hay, bệnh sởi xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm, hoặc đã được tiêm nhưng mới chỉ tiêm mũi một lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm đủ cả mũi hai (lúc 18 tháng tuổi), nhưng cơ thể không đáp ứng miễn dịch tốt. Khi cộng đồng tích lũy đủ lớn số trẻ chưa có miễn dịch thì sẽ xảy ra dịch.
Khi thấy trẻ bị sốt cao, nổi ban đỏ phụ huynh nên cho trẻ đi khám để phát hiện bệnh kịp thời. Trong ảnh: Khám bệnh cho trẻ tại Phòng khám đa khoa Xuân Hòa, TP.Biên Hòa. |
Theo bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, hiện bệnh viện ghi nhận có 3 trường hợp bệnh nhân sởi đến khám, nhưng ở thể nhẹ, điều trị ngoại trú, trong đó có những ca dù đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng sởi nhưng vẫn mắc bệnh. “Đối với những trường hợp này, có thể do nhiều nguyên nhân, như: chất lượng vaccine kém, quy trình tiêm không đảm bảo, hoặc cơ địa trẻ được tiêm không đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi bác sĩ hỏi, một số phụ huynh cho biết không dám cho con tiêm vaccine sau vụ việc hàng loạt trẻ có tai biến sau tiêm vaccine” - bác sĩ Đa Hà cho biết thêm.
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhận định hiện trong số trẻ mắc bệnh sởi, đã có 80% số cháu ở tình trạng chưa được tiêm. Số còn lại dù đã được tiêm (đủ mũi hoặc chưa đủ mũi) nhưng hiệu quả bảo vệ của vaccine đạt thấp và trẻ vẫn mắc bệnh. “Cũng qua khảo sát từ cha mẹ các cháu cho thấy, do thời gian qua, những lo ngại tai biến sau tiêm nên hầu hết phụ huynh không đưa con đi tiêm. Điều này dẫn đến việc tích lũy lượng lớn trẻ chưa được miễn dịch, nên bệnh bùng phát là hoàn toàn có thể” - GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định.
* Nguy cơ bùng phát thành dịch
Mặc dù đến nay trên địa bàn Đồng Nai, dịch bệnh sởi tuy chưa có dấu hiệu bùng phát và lây lan trên diện rộng, nhưng Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cao Trọng Ngưỡng tỏ ra lo ngại và cho rằng nguy cơ bùng phát dịch sởi là rất có khả năng. Năm 2013, sau 5 tháng ngừng tiêm vaccine Quinvaxem, đến tháng 11, vaccine này được tiếp tục tiêm lại thì tỷ lệ các trẻ được đưa đi tiêm chủng chỉ đạt 33%. Do đó, năm nay khả năng tình hình dịch bệnh sẽ căng thẳng hơn bởi số trẻ được tiêm đủ mũi đạt thấp.
Trước tình trạng bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát và lây lan rộng, ngành y tế Đồng Nai đã tăng cường theo dõi để kịp thời phát hiện những ca bệnh, xử lý nhanh nhằm tránh lây lan. Mặc dù sởi là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng và tử vong. Bệnh sởi cũng dễ lây lan và gây nhiều biến chứng, như: viêm thanh quản, viêm phế quản - phổi, viêm niêm mạc miệng, viêm màng não, biến chứng thần kinh, lao, viêm tai, viêm não tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm ruột... cùng một số chứng bệnh khác, như: viêm kết mạc mắt dẫn đến loét giác mạc, viêm cơ tim, viêm hạch mạc trên ruột, viêm gan... Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tích cực đưa con đi tiêm chủng tại các cơ sở y tế. |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh), cho biết trẻ từ 9 - 15 tháng dễ mắc bệnh sởi và khi cộng đồng có nhiều người mắc bệnh này thì khả năng lây lan rộng hoàn toàn xảy ra. Hầu hết các ca sởi phải nhập viện là do bỏ mũi chích ngừa sởi lúc 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, bệnh viện cũng phát hiện một số bệnh nhi dù được tiêm vaccine Quinvaxem, khi chưa đến lịch chích ngừa sởi vào tháng thứ 9 thì đã bị mắc bệnh sởi. Và các trường hợp trẻ mắc bệnh sởi trước 9 tháng tuổi chỉ mới xuất hiện trong thời gian này. Điều đó cho thấy, với những nước nhiệt đới như Việt Nam, bệnh sởi cũng đang có những biến đổi phức tạp.
Phương Liễu