Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp với tỷ lệ từ 1/8.000 - 1/80.000 ca sinh, nhưng tỷ lệ tử vong mẹ đến trên 80%. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân của hội chứng này.
Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp với tỷ lệ từ 1/8.000 - 1/80.000 ca sinh, nhưng tỷ lệ tử vong mẹ đến trên 80%. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân của hội chứng này.
Chị Đỗ Thị Diệu Huyền, 33 tuổi, hiệu trưởng một trường mầm non tại phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) vừa xuất viện sau gần 1 tháng được cứu sống do bị thuyên tắc ối trong khi sinh đứa con đầu lòng. Trước đó, ngày 16-11-2013, chị nhập Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để sinh. Theo bác sĩ dự báo, đó là một thai kỳ bình thường vì chị không có bất kỳ bệnh lý đặc biệt nào.
* Trở về từ cõi chết
Do ngôi thai cao, bác sĩ tiến hành bấm ối để ngôi thai áp vào cổ tử cung nhanh hơn. Thế nhưng, chỉ 10 phút sau, chị Huyền bắt đầu khó thở, tím tái, nhịp thở nhanh (40 lần/phút), co giật, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Cùng lúc này, tim thai từ 140 lần/phút giảm xuống còn 40-60 lần/phút và không đều.
Sản phụ Đỗ Thị Diệu Huyền bị thuyên tắc ối được cứu sống. Ảnh: P.Liễu |
Ngay lập tức, bệnh viện huy động toàn bộ kíp trực, gồm 4 bác sĩ: sản, gây mê, hồi sức tích cực và mời lãnh đạo tham gia hội chẩn. Quyết định đưa ra là bằng mọi giá phải cứu mẹ. Vừa xử trí cấp cứu cho chị Huyền, bác sĩ vừa tiến hành mổ lấy thai và cắt bỏ tử cung để cầm máu. Trên bàn mổ, sản phụ nhiều lần bị ngưng tim, ngưng thở. Bệnh viện phải truyền 18 đơn vị máu cho bệnh nhân.
Bước cấp cứu ban đầu khá ổn, dù cứu được con (bé gái nặng 3,4kg) nhưng sản phụ Huyền lại rơi vào trạng thái hôn mê khi xuất hiện các rối loạn hô hấp, rối loạn đông máu nặng và có dấu hiệu nhiễm trùng. Qua hội chẩn với Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh), Bệnh viện đa khoa Đồng Nai xác định đây là một ca thuyên tắc ối. Nỗi ám ảnh về hàng loạt ca tử vong do thuyên tắc ối trong y khoa thời gian qua khiến các bác sĩ lo lắng, bởi đây là một thách thức quá lớn cho người thầy thuốc. Tuy nhiên, những lo lắng ấy đã được đền đáp, 7 ngày sau mổ, bệnh nhân đã tự thở được qua khí quản mở, mở mắt và mọi sinh hiệu trở về bình thường, sức khỏe tiến triển tốt. Các y bác sĩ cũng tích cực tập vật lý trị liệu để tri giác bệnh nhân mau cải thiện.
* Khó phòng ngừa
Theo giải thích của bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản 1 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, thuyên tắc ối xảy ra khi gặp các điều kiện: ối vỡ, có sự thông nhau giữa tĩnh mạch tử cung với dòng nước ối và áp lực trong buồng tử cung cao. Khi đó, tế bào ối (dịch nước ối, những tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai…) sẽ chạy vào tĩnh mạch phổi, gây ra một phản ứng dị ứng. Phản ứng dị ứng này khiến bệnh nhân bị ngưng tim ngưng thở, đe dọa tính mạng mẹ và con.
Vào ngày 13-2-1818, bác sĩ sản khoa người Anh Sir Richard Croft đã dùng súng bắn vào đầu vì để cả mẹ - con Công chúa Charlotte xứ Wales tử vong khi sanh. Sự chỉ trích và lên án mạnh mẽ của dư luận và nỗi ray rứt của người thầy thuốc không hoàn thành nhiệm vụ khiến ông chọn giải pháp tự tử. Nhưng mãi đến thập niên 70 của thế kỷ 20 - nghĩa là 152 năm sau, y học mới minh oan cho ông vì nhiều bằng chứng cho thấy Công chúa Charlotte chết vì thuyên tắc ối - một tai biến sản khoa mà cho tới nay, việc cứu sống cũng chỉ là hy hữu. |
Tại Việt Nam, cho đến nay chưa có bất kỳ khảo sát nào về tỷ lệ tử vong do thuyên tắc ối, nhưng theo tài liệu y khoa Up to Date 2013, tỷ lệ tử vong của sản phụ bị thuyên tắc ối dao động từ 10-90% tùy từng trường hợp được phát hiện và xử lý. Bác sĩ Hoàng Đại Thắng, Trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện chia sẻ: “Ở nước ngoài, sản phụ vào sinh được theo dõi bởi nhiều thiết bị tiên tiến, nên khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào họ đều được phát hiện và xử trí kịp thời, vì thế tỷ lệ tử vong sẽ thấp. Với điều kiện một bệnh viện tỉnh như chúng tôi, trang thiết bị thiếu thốn, cơ sở chật chội, tôi nghĩ tỷ lệ tử vong có thể lên đến trên 95%!”
Phương Liễu