Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với "siêu vi khuẩn" E.coli

08:01, 21/01/2014

Khuẩn E.coli (Escherichia coli) sống cộng sinh trong ruột, là nhóm vi khuẩn có ích tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xuất hiện "siêu vi khuẩn" E.coli đa kháng thuốc, gây tử vong cũng như bệnh cảnh nặng nề cho nhiều trường hợp tiêu chảy do mắc phải siêu vi khuẩn này.

Khuẩn E.coli (Escherichia coli) sống cộng sinh trong ruột, là nhóm vi khuẩn có ích tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xuất hiện “siêu vi khuẩn” E.coli đa kháng thuốc, gây tử vong cũng như bệnh cảnh nặng nề cho nhiều trường hợp tiêu chảy do mắc phải siêu vi khuẩn này.

Nhiều trẻ bị tiêu chảy điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Nhiều trẻ bị tiêu chảy điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Trước những ca tử vong tại một số tỉnh thành, Bộ Y tế vừa cảnh báo: Việt Nam đã xuất hiện “siêu vi khuẩn” E.coli đa kháng thuốc và yêu cầu các địa phương cảnh giác với chủng vi khuẩn này, nhằm tránh nguy cơ bùng phát thành dịch tiêu chảy cấp trên diện rộng.

* Biến thể nguy hiểm

E.coli sống trong ruột người, có thể nhiễm từ nhiều nguồn, như: ăn thực phẩm tái, sống; sử dụng nước ao hồ, sông suối hoặc không vệ sinh khi nhiễm phải phân người và động vật.  E.coli thường vô hại hoặc có biến chứng sẽ gây bệnh tiêu chảy trong khoảng 3 ngày. Tuy nhiên, nếu nhiễm phải “siêu vi khuẩn” E.coli đa kháng thuốc, ngoài tiêu chảy ra còn gây ra nhiều bệnh lý khác, như: rối loạn đông máu, suy thận, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi…

Bác sĩ Hà Văn Thiệu, Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết: “Tiêu chảy do nhiễm E.coli là bệnh rất thường xảy ở cả người lớn và trẻ em, đặc biệt trong mùa nắng nóng. Bệnh viện cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ  bị tiêu chảy, trong đó có những ca không đáp ứng kháng sinh thông thường, phải sử dụng kháng sinh mạnh”. 

Chị Nguyễn Thị Mai Liên ở xã Phước Tân (TP. Biên Hòa) có con trai gần 5 tuổi bị sốt, nôn ói, đau quặn bụng và tiêu chảy có ngày đến chục lần. Uống 3 ngày thuốc tự mua không đỡ, ngày 13-1, chị đưa con đến Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, điều trị 3 ngày tại đây nhưng bệnh chưa cải thiện nhiều. Sốt ruột, ngày 17-1 chị đưa con đến Bệnh viện nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) và được chẩn đoán bé Anh Huy - con chị bị nhiễm E.coli kháng thuốc, phải làm kháng sinh đồ để tìm kháng sinh phù hợp trong điều trị. Phải 2 tuần nữa, con chị mới có thể xuất viện.

* Không nên quá lo lắng

Nghiên cứu mới nhất của  Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cho thấy, Việt Nam xuất hiện chủng E.coli đa kháng thuốc là do gen người bị nhiễm tạo ra sự đột biến. Song để tạo ra sự đột biến này, chiếc cầu nối chính là việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, liều lượng không quy chuẩn đã khiến những con vi khuẩn E.coli sống sót sau đợt điều trị nhận biết, cảm hóa và biến đổi gen để chống lại tác dụng của kháng sinh. Ngoài ra, có sự lai tạo giữa dòng vi khuẩn động vật với vi khuẩn trên người cũng tạo ra khả năng kháng thuốc.

Khuẩn E.coli dễ lây qua đường tiêu hóa (đường phân - miệng). Khi nhiễm E.coli kháng thuốc, người bệnh thường có các triệu chứng nóng sốt, ói mửa, bụng đau quặn, tiêu chảy kéo dài, phân nước có lẫn máu. Vì thế, khi bị tiêu chảy kéo dài (quá 3 ngày) không thuyên giảm, nên đến bệnh viện kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay về mặt lâm sàng, không có sự khác biệt giữa tiêu chảy do vi khuẩn E.coli  thông thường với E.coli kháng thuốc và đa kháng thuốc. Tuy nhiên, căn cứ theo diễn tiến của bệnh, tất cả các trường hợp tiêu chảy sau 3 ngày điều trị mà triệu chứng không thuyên giảm, cần nghĩ ngay đến kháng thuốc và phải làm kháng sinh đồ để can thiệp hiệu quả. Khuẩn E.coli kháng thuốc có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em nhưng nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ đạt hiệu quả tốt nhờ biện pháp phối hợp các thuốc điều trị. Nếu ở tình trạng muộn, bệnh nhân đã đi vào sốc không hồi phục thì điều trị rất khó khăn, nguy cơ tử vong cao. Riêng với trường hợp đa kháng thuốc thì vẫn là thách thức của ngành y.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo: “Người dân không nên quá lo lắng trước sự xuất hiện của dòng vi khuẩn mới này, bởi tỷ lệ gặp thấp, tỷ lệ tử vong cũng thấp (dưới 1%). Người dân nên chủ động phòng bệnh bằng biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi... Khi bị tiêu chảy, cần đi khám để được xác định”.

 Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều