Sau 5 tháng tạm ngưng, vaccine Quinvaxem đã chính thức được tiêm trở lại trên địa bàn Đồng Nai từ ngày 5-11.
Sau 5 tháng tạm ngưng, vaccine Quinvaxem đã chính thức được tiêm trở lại trên địa bàn Đồng Nai từ ngày 5-11.
Tuy nhiên, ngay trong đợt tiêm chủng trở lại này, đã có 134 trẻ có phản ứng phụ, trong đó một số trẻ có phản ứng nặng, như: tím tái, sốt cao, co giật, suy hô hấp... phải nhập viện. Điều này làm người dân không khỏi lo lắng.
Tiêm cũng lo, không tiêm cũng lo...
Tại Trạm y tế phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) trong ngày tiêm chủng 6-11 vừa qua, không ít phụ huynh đưa con đến tiêm nhưng sau đó lại đưa con về. Chị Trần Ngọc Minh bế con 6 tháng tuổi ra trạm, nộp sổ ngồi chờ. Nhưng khi gần đến lượt, chị phân vân: “Không cho con tiêm, tôi lo nhỡ cháu mắc bệnh, nhưng cho tiêm lại lo hơn vì sợ biến chứng như nhiều trường hợp trước đây”.
Trẻ được tư vấn trước tiêm chủng tại Trạm y tế xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch). |
Được tăng cường trong đợt tiêm chủng tại Trạm y tế xã Bình Minh, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng phòng thông tin truyền thông - giáo dục sức khỏe (Trung tâm y tế huyện Trảng Bom), cho biết: “Những ngày trong đợt tiêm chủng, chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm khâu khám sức khỏe cho trẻ trước tiêm; tư vấn trước và sau tiêm; lưu trẻ tại trạm 30 phút sau tiêm để theo dõi... Dù đã được nhân viên tư vấn khá kỹ càng, nhưng về phía phụ huynh, nhiều người tỏ rõ sự đắn đo khi cho con đi tiêm. Có người bế con đi rồi lại bế về... Với những trường hợp còn đắn đo, chúng tôi chỉ có thể tư vấn, còn quyết định là ở phụ huynh”.
Thực tế, những băn khoăn của người dân không phải không có căn cứ. Bởi sau khi vaccine Quinvaxem trở lại chương trình tiêm chủng, hàng trăm trẻ đã có phản ứng phụ, nhiều trẻ trong số này phải nhập viện. Riêng Đồng Nai, 134 trẻ có phản ứng phụ sau tiêm, như: sốt, tím tái, 3 trẻ trong số này bị co giật, suy hô hấp phải nhập viện cấp cứu.
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Trước khi vào đợt tiêm chủng, dự kiến lượng trẻ cần được tiêm vaccine 5 trong 1 khoảng 50 ngàn trẻ, nhưng tỉnh cũng chỉ tạm nhận về 30 ngàn liều vaccine. 5 ngày tiêm chủng trong tháng 11 vừa qua, số trẻ được đưa đến tiêm chỉ đạt 38% so với dự kiến. Nguyên nhân sau “sự cố” vaccine Quinvaxem, nhiều phụ huynh lo lắng nên đã không cho trẻ đi tiêm”. Trước đó ngành y tế đã lập các đoàn đi kiểm tra 171 điểm tiêm chủng ở các xã, phường và tập huấn quy trình an toàn tiêm chủng cho cán bộ y tế, đồng thời thực hiện mỗi buổi tiêm chủng đều bảo đảm không quá 50 trẻ... nhưng người dân vẫn chưa thực sự yên tâm.
Phụ huynh hiểu đúng, sẽ yên tâm
Đợt tiêm chủng vừa qua, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận hơn 30 trẻ vào viện. Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, khẳng định vaccine là an toàn, nhưng không phải hoàn toàn không có nguy cơ, bởi mỗi cơ thể có những phản ứng khác nhau với vaccine. Tuy nhiên, tỷ lệ gây biến chứng rất thấp, tử vong lại càng hiếm. Phụ huynh cần hiểu đúng để không quá lo lắng.
“Hiện nhiều phụ huynh vẫn lo lắng, băn khoăn về vaccine Quinvaxem, nhưng nếu tiếp tục từ chối tiêm chủng cho trẻ, dẫn đến trẻ em dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm nặng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng là điều rất không nên. Các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ vì sức khỏe của con mình” - bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết. |
Theo giải thích của bác sĩ Đa Hà, khi tiêm vaccine vào, cơ thể lập tức có phản ứng phản hồi lại để nhận biết “kẻ lạ mặt” tấn công nhằm bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, tùy theo sự tiếp nhận “kẻ lạ mặt” này khác nhau ở những cơ địa khác nhau mà có phản hồi mạnh mẽ hay chỉ phản ứng âm thầm, nhẹ nhàng. Với những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng, thường có sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ hoặc có thể do vaccine, hoặc do sai sót trong khâu bảo quản, vận chuyển, sử dụng, chỉ định và tiêm chủng vaccine. Song, những trường hợp này khá hiếm.
Hơn 25 năm thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng, nhiều bệnh tật nguy hiểm ở trẻ đã được thanh toán, đẩy lùi. Rõ ràng, nhiều năm trước đây, phụ huynh khi cho con đi tiêm chủng hầu như ai cũng “mặc nhiên” hiểu sau tiêm chủng, trẻ sẽ bị sốt, quấy khóc, thậm chí tím tái, co giật nên đã sẵn tâm lý đối phó, như: cho trẻ hạ sốt, ăn mềm... Nhưng hiện nay, có phụ huynh thấy trẻ sốt cao là nhanh chóng đưa vào viện. Điều này, theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, là tín hiệu tốt cho thấy người dân đã quan tâm hơn đến các phản ứng có thể gặp phải sau khi tiêm và đưa các cháu vào viện theo dõi ngay khi có bất thường.
Phương Liễu