Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ cho trái tim khỏe mạnh

10:10, 01/10/2013

Ngày 29-9 được lấy làm ngày Tim mạch thế giới. Sở dĩ thế giới dành hẳn một ngày để “nhắc nhở”, bởi các bệnh về tim và mạch máu đang cướp đi sinh mạng cũng như gây tổn thương không nhỏ đến sức khỏe của nhiều người.

Ngày 29-9 được lấy làm ngày Tim mạch thế giới. Sở dĩ thế giới dành hẳn một ngày để “nhắc nhở”, bởi các bệnh về tim và mạch máu đang cướp đi sinh mạng cũng như gây tổn thương không nhỏ đến sức khỏe của nhiều người.

Ai cũng có thể mắc bệnh tim - Đó là cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi tiến hành điều tra trên người dân. Kết quả cho thấy, một nửa số người dân trên thế giới cho rằng bệnh tim chỉ đến vào tuổi trung niên và tuổi già. Vì thế, nhiều người đã không hành động kịp thời để bảo vệ trái tim. Trong khi đó, bệnh tim mạch có thể đến ở bất kỳ độ tuổi nào.

* Những biểu hiện của bệnh

Theo khuyến cáo của WHO, lối sống thiếu vận động hiện nay là một trong những nguyên nhân đẩy nhanh sự phát triển các bệnh liên quan đến tim mạch và mạch máu.

Một ca mổ tim tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Một ca mổ tim tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Bác sĩ Đinh Gia Chưng, Trưởng khoa ngoại lồng ngực (Bệnh viện đa khoa Thống  Nhất), cho biết có nhiều bệnh lý về tim, như: cơ đau tim, đột quỵ, trụy tim, bệnh đau thắt, cao huyết áp, cứng động mạch, loạn nhịp tim, bệnh cơ tim, bệnh van tim và một số khuyết tật tim bẩm sinh... Tuy nhiên, các bệnh lý về tim mạch thường có các biểu hiện giống nhau: khó thở, đau ngực, đánh trống ngực, ngất xỉu, tím tái, khó thở khi gắng sức. Nếu bệnh nặng thì khó thở xuất hiện ngay cả khi vận động nhẹ hoặc khi nghỉ ngơi. Đau ngực, nhồi máu cơ tim hoặc cơn đau thắt ngực không ổn định xảy ra khi một trong các nhánh của động mạch vành bị lấp tắc hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn.

Người mắc bệnh tim mạch dễ ngất xỉu vì sẽ gặp các rối loạn về nhịp tim. Có thể tim sẽ đập rất chậm vì không đủ khả năng đưa máu và dưỡng khí lên nuôi não. Ngược lại, tim sẽ đập quá nhanh (nhiều hơn 150 lần/phút) do khả năng bơm máu lên não của tim bị giảm sút.

Về biểu hiện, người bệnh thường tím tái, tím ở những vùng da hở như đầu ngón tay, cằm, mũi và môi; tím ở quanh kết mạc mắt, niêm mạc họng và lưỡi.

* Nhiều phương pháp can thiệp hiện đại

Hiện nay, một bệnh lý về tim mạch chiếm phần lớn các cơ bệnh liên quan đến tim, đó là bệnh hở hoặc hẹp van tim hai lá (chiếm 40%). Đã có nhiều kỹ thuật hiện đại trong phát hiện, can thiệp, phẫu thuật bệnh hở - hẹp van hai lá. Phần lớn bệnh van hai lá là do thấp tim, một số rất nhỏ do bẩm sinh, đôi khi là hẹp van hai lá có thể là biến chứng của một số bệnh lý khác.

Theo WHO, năm 2012, số ca tử vong do sốt rét, HIV/AIDS và bệnh lao cộng lại là 3,86 triệu ca, thì riêng bệnh tim lại có đến 17,5 triệu người chết. Dự báo đến năm 2030, con số này tăng lên 23 triệu người/năm. Tuy nhiên, bệnh tim mạch nếu được phát hiện, can thiệp, phẫu thuật kịp thời, tỷ lệ thành công rất cao.

Với sự phát triển của y học, các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng, đặc biệt là siêu âm tim đã giúp thầy thuốc có thể nhận biết một cách chính xác các tổn thương của từng chi tiết nhỏ trong bộ máy van hai lá. Ngoài ra, phương pháp nội soi, tưới máu tim phổi, quan sát trong buồng tim, trang thiết bị và robot điều khiển từ xa... đã hỗ trợ các thầy thuốc tiến gần hơn đến phẫu thuật tim ít xâm lấn và an toàn, hiệu quả hơn.

* Vì một trái tim khỏe

Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam, để bảo vệ trái tim, ngoài chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây... thì tập thể dục đều đặn mỗi ngày và nhất là giữ cho tinh thần ở trạng thái cân bằng là vấn đề rất quan trọng.

Chăm sóc một trẻ bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Chăm sóc một trẻ bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Nên vận động và tập thể dục thường xuyên mỗi ngày, tập để giúp trái tim hoạt động tốt cũng như chống lại các bệnh lý tim mạch. Thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác. Không hút thuốc sẽ giúp tim phòng ngừa được chứng tắc mạch vành. Không để cơ thể thừa cân, điều trị bệnh cao huyết áp (nếu có).

Khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể. Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì cần phải có kế hoạch tích cực để cải thiện sức khỏe.

Ăn kiêng và các thực phẩm tốt cho tim mạch

* Ăn kiêng

Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam, người có bệnh tim mạch cũng như người muốn phòng tránh các bệnh tim mạch cần ăn kiêng với một chế độ dinh dưỡng hợp lý với những thực phẩm tốt cho hệ tim mạch.

Ngoài ra, có thể thực hiện chế độ ăn kiêng bằng cách thay đổi lối sống với chế độ ăn nhiều chất xơ và ít calo, chất béo, cholesterol và muối... Điều này làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.

Giảm thừa cân bằng chế độ dinh dưỡng ít chất béo, calo, muối và cholesterol. Điều trị bệnh cao huyết áp để tránh bị biến chứng gây xơ cứng động mạch. 

* Các thực phẩm tốt cho tim mạch

Một số loại ngũ cốc nguyên cám, như: gạo lứt, lúa mì, bắp, lúa mạch là những thực phẩm tốt cho tim mạch vì giúp giảm cholesterol và cải thiện tình trạng cao huyết áp. Ngoài ra, có thể ăn gạo thường nhưng tránh vo, chà xát nhiều lần vì sẽ làm mất cám.

Các loại dầu mỡ như dầu oliu, các loại đậu, sữa chua không béo và cá hồi rất tốt. Ăn nhiều loại trái cây, như: táo, quả lựu, tỏi và các loại rau, như: rau cải, măng tây sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch.

Uyên Uyên  (tổng hợp)

 

Phương Liễu (ghi)

 

  

Tin xem nhiều