Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh lây truyền từ động vật sang người

10:10, 08/10/2013

Bé P.A, 7 tuổi, ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) đang đối mặt với nguy cơ mù lòa do sán chó chui vào mắt làm tổn thương võng mạc.

Bé P.A, 7 tuổi, ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) đang đối mặt với nguy cơ mù lòa do sán chó chui vào mắt làm tổn thương võng mạc. Dù đang được điều trị tại bệnh viện nhi đồng tuyến cao nhất, nhưng các bác sĩ cho biết khả năng suy giảm thị lực dẫn đến mù lòa ở bé là cao.

Mới đây, bé N.T.T.H, ở ấp 4, xã Gia Canh (huyện Định Quán) tử vong vì bệnh dại do chó cắn... một lần nữa cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật sang người đang ngày càng nhiều và nguy hiểm.

* Chưa nhận thức đúng về nguy cơ

Bệnh dại từ chó, mèo - một bệnh cũ đang có xu hướng bùng phát trở lại. Theo bác sĩ Trần Minh Hòa, Trưởng phòng Giám sát dịch bệnh và vaccine sinh phẩm (Trung tâm y tế dự phòng tỉnh), Đồng Nai đứng thứ hai trong số các tỉnh phía Nam về số ca bệnh dại và tử vong do bệnh dại. 5 năm trở lại đây, đã có hơn 64.500 người phải tiêm phòng bệnh dại do bị vật nuôi cắn, trong đó 6 trường hợp phát dại đã  tử vong.

Một bệnh nhi bị ong vò vẽ chích 110 nốt  phải lọc máu liên tục nhiều lần tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P.Trường
Một bệnh nhi bị ong vò vẽ chích 110 nốt phải lọc máu liên tục nhiều lần tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P.Trường

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những “điểm nóng” về các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật, trong đó có những bệnh có thể gây đại dịch, như: cúm A, sốt xuất huyết, liên cầu khuẩn... Điều đáng lo ngại hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có hoạt động chăn nuôi với tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn. Song, phương thức chăn nuôi chủ yếu là truyền thống, thủ công và  nằm rải rác tại các hộ gia đình.

Đồng Nai là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước. Thời gian qua, trong đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện những bệnh, như: liên cầu khuẩn, bệnh tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả heo và cúm gia cầm... “Đáng lo ngại là đã có sự biến chủng của virus, làm giảm hiệu lực của vaccine tiêm phòng” - ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho hay.

Song, nguy hiểm hơn khi nhiều người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi các loài động vật hoang dã thuần dưỡng lại chưa nhận thức được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình tiếp xúc, gần gũi với vật nuôi. Tại buổi gặp gỡ ông Taheshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và người dân ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom), khi được hỏi về vấn đề lây nhiễm bệnh từ động vật sang người, bà Nguyễn Thị Thủy, một hộ đang nuôi đến hơn 50 con heo cho rằng, bà và nhiều hộ chăn nuôi khác trong xã không hề biết động vật có thể lây bệnh cho con người và đó là những bệnh gì...

* 75% bệnh tật có nguồn gốc từ động vật

Ông Taheshi Kasai cho biết có khoảng 200 loại bệnh đang lưu hành trên thế giới, thì 75% trong số này có nguồn gốc lây nhiễm từ động vật. Nhiều bệnh trong số này khá nguy hiểm, như: viêm phổi cấp lây từ loài cầy hương; sốt rét do muỗi vằn chích; bệnh đậu mùa nhiễm từ lạc đà; dịch hạch từ chuột cống và những loài gặm nhấm; bệnh nhũn não lây truyền từ bò; bệnh dại từ thú hoang hay vật nuôi... Đặc biệt là bệnh AIDS do mắc phải virus HIV từ loài vượn, mỗi năm cướp đi sinh mạng hàng triệu người trên thế giới. Tại Việt Nam, khoảng 40 loại bệnh tật đang lưu hành có nguồn gốc từ động vật.

Bệnh nhân bị nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn được điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân bị nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn được điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Có hơn 70% số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện bị các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật. Đặc biệt, có những bệnh nhân điều trị những bệnh cũ đã từng được khống chế, kiểm soát bằng hóa trị và kháng sinh, nay xuất hiện trở lại và kháng thuốc như bệnh dại, dịch hạch...”

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa, đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam, cho hay: “Thay đổi môi trường và biến đổi khí hậu được xem là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến sự gia tăng của bệnh có nguồn gốc từ động vật. Việc chặt phá rừng, chăn nuôi thủ công làm cho người dân ngày càng tiếp xúc gần hơn với động vật hoang dã cũng như vật nuôi... điều này làm tăng nguy cơ lây truyền tác nhân gây bệnh từ động vật sang người”.

Rõ ràng, các bệnh lây truyền từ động vật sang người đang tiếp tục phát tán, lấy đi sinh mạng cũng như làm tổn thất về sức khỏe, kinh tế của người dân. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề ứng phó, ông Taheshi Kasai khuyến cáo, ngoài kế hoạch ứng phó mang tầm vĩ mô mà chính phủ mỗi nước có trách nhiệm thực hiện, thì truyền thông nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm từ động vật sang người cho người chăn nuôi và cộng đồng cần được đẩy mạnh. Ở những nhóm đối tượng khác nhau, cần có có những phương thức truyền thông khác nhau. Tuy nhiên khuyến cáo chung vẫn là: an toàn chăn nuôi, vệ sinh sạch khu vực chăn nuôi, không tiêu thụ sản phẩm động vật bệnh, động vật không rõ nguồn gốc, xử lý động vật bệnh đúng cách, sử dụng kháng sinh hợp lý và kiểm tra sức khỏe định kỳ... 

Phương Liễu            

 

 

 

 

 

  

Tin xem nhiều