Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiễm khuẩn bệnh viện: Bệnh chồng bệnh

09:09, 24/09/2013

Có khoảng 50 loại vi khuẩn trú ẩn trong từng ngóc ngách bệnh viện, sẵn sàng gây bệnh không chỉ cho bệnh nhân mà còn cho nhân viên y tế và người nhà chăm sóc bệnh nhân.

 

Có khoảng 50 loại vi khuẩn trú ẩn trong từng ngóc ngách bệnh viện, sẵn sàng gây bệnh không chỉ cho bệnh nhân mà còn cho nhân viên y tế và người nhà chăm sóc bệnh nhân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh. Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ người bệnh tử vong, biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, mức sử dụng kháng sinh và mức độ kháng thuốc, tăng chi phí dùng thuốc dẫn đến tăng gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh lẫn hệ thống y tế...

* “Rước” thêm bệnh mới...

Chị Nguyễn Liên (ở phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) bị tai nạn giao thông gãy xương ống chân và được phẫu thuật nối ghép tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Hơn nửa tháng sau mổ, vết thương của chị không lành mà có dấu hiệu lở loét, mưng mủ. Bác sĩ nói trường hợp của chị là khả năng nhiễm trùng vết mổ khó tránh do vi khuẩn bệnh viện tấn công. Để xử lý, các bác sĩ đã “nạo vét” hết phần thịt hoại tử ở vết thương, vì thế chân chị có một vùng lồi lõm khá mất thẩm mỹ.   

Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Còn bệnh nhân Trần Thanh Tuấn (xã Phước Thái, huyện Long Thành) bị suy thận độ 3 được đặt ống Catheter màng bụng để lọc máu tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Dù đã được các bác sĩ 2 bệnh viện Thống Nhất và Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) theo dõi, thế nhưng vết mổ vẫn bị nhiễm trùng nặng, phải tăng sử dụng kháng sinh liều cao và kéo dài thời gian nằm viện thêm gần chục ngày. Hoặc như bệnh nhi Kim Chi bị bại não phải thở máy và điều trị dài ngày ở khoa Hồi sức tích cực - chống độc của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã bị viêm phổi bệnh viện, khiến việc điều trị gặp khó khăn.

Theo WHO, hiện nay có khoảng 1,4 triệu người trên thế giới mắc bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện. Việt Nam là một trong 34 quốc gia tham gia Hiệp hội Kiểm soát vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện thế giới và là một trong những quốc gia có tỷ lệ người bệnh mắc nhiễm khuẩn bệnh viện khá cao.

Nhiễm khuẩn bệnh viện  là một trong những thách thức và gánh nặng cho y tế những nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, công tác chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện chưa được chú trọng đúng mức. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện  được nhìn nhận bởi những vi khuẩn, vi nấm và virus. Điều này xuất phát từ công tác vệ sinh bệnh viện, vệ sinh dụng cụ y tế chưa bảo đảm; cơ sở vật chất hạn chế; thiếu các khoa phòng cách ly cần thiết; sử dụng máy điều hòa nhưng không được thông khí; tình trạng quá tải, bệnh nhân đông đúc, nằm ghép; nhiều ca mổ một lúc; nhân viên y tế chưa tuân thủ việc rửa tay đúng cách; bệnh nhân và thân nhân chưa giữ gìn vệ sinh chung...

* Cần tăng cường kiểm soát

Theo Sở Y tế, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở các bệnh viện trên địa bàn chiếm từ 3-5% với hơn 50 loại nhiễm khuẩn. Các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp là: viêm phổi bệnh viện, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn vết bỏng... Tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra ở hầu hết các khoa, nhiều nhất là khoa hồi sức tích cực - chống độc (52%), khoa ngoại (28%), khoa nội (19%).

Que khám họng không phải lúc nào cũng được vô trùng.
Que khám họng không phải lúc nào cũng được vô trùng.

Vừa qua, Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã khảo sát tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện trên 801 bệnh nhân tại Khoa ngoại tổng quát. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ chiếm tới 70,8% ở những bệnh nhân phải phẫu thuật cấp cứu, kế đến là viêm phổi bệnh viện ở những bệnh nhân nằm viện dài, bệnh nhân phải thở máy, người có bệnh đi kèm phẫu thuật... Cử nhân điều dưỡng Mai Thị Tiết, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết: “Bệnh viện hàng ngày tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị. Tình trạng quá tải cũng là một trong những nguyên nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện, nhất là cơ sở hiện nay đã cũ và xuống cấp”.

Ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, thông qua các buổi họp hội đồng người bệnh, cán bộ khoa kiểm soát nhiễm khuẩn và điều dưỡng trưởng các khoa thường xuyên tư vấn cho người bệnh, thân nhân thực hiện vệ sinh chung và hợp tác với nhân viên y tế trong công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Nhờ đó, đã giảm được sự lây nhiễm chéo giữa người bệnh với người bệnh, giữa người bệnh với nhân viên y tế. Ở Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, theo cử nhân Nguyễn Thị Liên, quyền Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, ngoài việc yêu cầu nhân viên y tế trong toàn bệnh viện tuân thủ các quy định trong kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện còn luôn yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ rửa tay đúng 6 bước, theo 5 thời điểm.

Cơ chế lây nhiễm

Cơ chế nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) có thể qua đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, máu, da, niêm mạc... Tuy nhiên, có 3 cơ chế lây nhiễm phổ biến nhất. Đó là:

 Lây qua tiếp xúc: Chiếm khoảng 90% các trường hợp NKBV. Có thể là tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua bàn tay nhân viên y tế, bơm kim tiêm, các dụng cụ thăm khám, điều trị có tính chất xâm nhập, các chất thải ô nhiễm như bông băng, dịch rỉ vết thương, vết loét, vết bỏng...

 Lây qua các giọt dịch bắn ra trong khi phẫu thuật: Các vi khuẩn, vi trùng này khi bắn ra sẽ bám vào kết mạc mắt, niêm mạc mũi, miệng của người tiếp xúc và là tác nhân gây ra nhiễm khuẩn.

 Lây qua đường hô hấp: Mầm bệnh được thải ra khỏi nguồn truyền nhiễm qua ho, hắt hơi, khạc nhổ. Với những hạt có kích thước nhỏ sẽ bay lơ lửng trong không khí và xâm nhập vào người cảm thụ qua đường mũi, miệng.

Biện pháp phòng ngừa cơ bản

 Rửa tay và thực hành đúng trong rửa tay: Là biện pháp rẻ tiền và hiệu quả nhất đề phòng NKBV. Nhân viên y tế, bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân cần thực hành đúng việc rửa tay, trong đó quan trọng nhất là nhân viên y tế với trước, trong và sau khi chăm sóc, thăm khám cho bệnh nhân. 

       Uyên Uyên (ghi)

 

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều