Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng bệnh cho trẻ khi đến trường

08:08, 27/08/2013

Sau những ngày nghỉ hè, vào năm học mới cũng là thời điểm khiến nhiều trẻ dễ bị lây nhiễm bệnh. Các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ khi đi học là nhiễm trùng tiểu, lây các bệnh nhiễm...

Sau những ngày nghỉ hè, vào năm học mới cũng là thời điểm khiến nhiều trẻ dễ bị lây nhiễm bệnh. Các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ khi đi học là nhiễm trùng tiểu, lây các bệnh nhiễm...

Cặp kéo giúp học sinh tiểu học đỡ phải mang vác khối lượng nặng trên vai.
Cặp kéo giúp học sinh tiểu học đỡ phải mang vác khối lượng nặng trên vai.

Bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), khuyến cáo phụ huynh cần chuẩn bị cho con sức khỏe tốt để kháng bệnh, cũng như hướng dẫn con phòng tránh các bệnh dễ nhiễm trong môi trường học đường.

* Phòng bệnh nhiễm trùng tiểu

Bệnh nhiễm trùng tiểu rất thường gặp ở những trẻ mầm non và tiểu học, là bệnh xếp hàng thứ ba sau bệnh nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa.

Nhiễm trùng tiểu gặp thường ở học sinh nữ hơn học sinh nam  khi đi học, nguyên nhân do học sinh gái hay nín tiểu, uống ít nước, không vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu. Nhiều em nín tiểu nhiều lần, bệnh có thể  biến chứng nặng. Các biểu hiện thường gặp khi bị nhiễm trùng tiểu là sốt kéo dài, nôn ói, tiêu chảy, đi tiểu không hết, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, khó tiểu... Màu nước tiểu hơi đỏ, đục, có mùi hôi. Khi phát hiện các dấu hiệu này, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm.

Để phòng tránh bệnh nhiễm trùng đường tiểu, giáo viên không nên cấm trẻ đi tiểu hoặc để thời gian dài quá 2-3 giờ mới cho trẻ đi tiểu. Nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước và không nên nhịn tiểu. Ngoài ra, phụ huynh cần chọn quần áo đi học cho trẻ có độ rộng vừa phải, vải dễ thấm nước. Khi vệ sinh đường tiểu cho trẻ, chú ý với trẻ gái nên lau rửa vùng hậu môn, sinh dục từ trước ra sau, trẻ trai thường vệ sinh bao da quy đầu

* Phòng bệnh viêm đường hô hấp trên

Đây là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ em tuổi đi học, đặc biệt là trẻ tuổi mầm non. Khi bị viêm đường hô hấp trên, các em có biểu hiện đột ngột sốt, đau họng, khó nuốt, chảy nước mũi, nước mắt. Bệnh thường tự khỏi sau một tuần. Biến chứng thường gặp là viêm tai giữa. Bệnh dễ lây lan qua dịch mắt, mũi, họng trước khi có các triệu chứng nên rất khó kiểm soát lây lan trong trường học. Nên cho trẻ nghỉ học 1-2 ngày, cho uống thuốc hạ sốt, làm thông thoáng mũi, dạy trẻ không khạc nhổ bừa bãi và che miệng khi hắt hơi và khi ho; cho trẻ uống nhiều nước, tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

* Phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng

Thời điểm khai trường là lúc tập hợp đông học sinh một lúc nên tình trạng lây nhiễm bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết khá nhiều.

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt cao, tay chân và trong miệng có bóng nước hoặc trên da có những nốt ban đỏ...  cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Cho trẻ nghỉ học để cách ly nguồn lây nhiễm.

* Phòng ngừa các bệnh lý về mắt

Các tật khúc xạ, tổn thương cột sống, căng thẳng thần kinh... là những bệnh lý học đường cần phòng ngừa sớm. Những thói quen xấu kéo dài, như: sử dụng bàn học không phù hợp kích thước, khoảng cách không phù hợp, thiếu ánh sáng, nằm đọc sách, xem nhiều truyện tranh, ti vi, chơi game trên máy tính, điện thoại di động, iPad... là những nguyên nhân gây các bệnh lý về mắt. Vì thế, góc học tập tại nhà của trẻ đạt tiêu chuẩn về ánh sáng như gần cửa sổ, giếng trời. Dùng đèn học có chụp, không hắt ánh sáng lên mắt, hướng đèn chiếu từ bên trái qua nếu trẻ thuận tay phải. Khi thấy trẻ có những biểu hiện, như: nheo, nhíu mắt hoặc ngồi sát khi xem tivi, cúi sát mặt khi học bài, viết bài sai, hay đụng đổ đồ vật trong nhà... phải kịp thời đưa trẻ đi khám mắt, sau đó tái khám 6 tháng/lần.

* Tránh bệnh cong vẹo cột sống

Cột sống trẻ em tuy dẻo nhưng mềm, dễ cong vẹo nếu tư thế ngồi học không chuẩn. Hiện nay, phần lớn bàn ghế thường dùng chung cho trẻ nhiều độ tuổi, kích thước khác nhau nên không phù hợp về tiêu chuẩn y tế. Ở nhà, một số trẻ cũng dùng chung bàn làm việc của cha mẹ để học nên cột sống bị biến dạng là điều khó tránh khỏi. Vì thế, ngoài việc sử dụng bàn học đúng chuẩn và theo tuổi, phụ huynh nên hướng dẫn con tư thế ngồi thẳng lưng để tránh tình trạng cong vẹo cột sống.

Phương Liễu (ghi)

 

 

Tin xem nhiều