Thời gian gần đây, tình trạng người lao động (NLĐ) tự ý thay đổi thông tin nhân thân, sử dụng hồ sơ của người khác để đi làm... đang có chiều hướng tăng.
Thời gian gần đây, tình trạng người lao động (NLĐ) tự ý thay đổi thông tin nhân thân, sử dụng hồ sơ của người khác để đi làm... đang có chiều hướng tăng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng phòng Cấp sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, cho biết hiện BHXH đang phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội xử lý 771 trường hợp NLĐ sử dụng hồ sơ của người khác để đi làm.
Hướng dẫn người lao động làm thủ tục bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: K.Liễu |
TỰ CHUỐC RẮC RỐI
Do không hội đủ các điều kiện của đơn vị tuyển dụng về học vấn, trình độ chuyên môn, tuổi... nên nhiều NLĐ đã đối phó bằng cách mượn hồ sơ của người khác để đi làm. Điều này kéo theo không ít hệ lụy đối với người mượn lẫn người cho mượn. Trường hợp của chị L., quê ở tỉnh Quảng Bình là một ví dụ. Chị L. mượn hồ sơ người em họ để làm công nhân ở một công ty nọ. Mọi việc trót lọt cho đến khi chị L. bất ngờ bị tai nạn lao động. Lúc vào viện điều trị, do chứng minh nhân dân và thẻ bảo hiểm y tế mang hai tên khác nhau nên chị L. không được thanh toán chi phí điều trị. Chị cũng không có đủ giấy tờ hợp lệ để hoàn tất thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động. Lúc này chị L. mới nhận thức được việc dùng hồ sơ của người khác là sai lầm.
Hay như trường hợp của anh T., ngụ ở huyện Trảng Bom khi “lỡ” cho người bạn thân mượn giấy tờ để đi làm. Đến khi anh T. tìm được việc tại một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương khá cao thì phát sinh rắc rối. Vì khi làm hồ sơ tham gia BHXH cho anh T., công ty phát hiện đã có người đăng ký tên này. Khi đó, anh T. và người bạn bị phát hiện dùng chung lý lịch. Tiếp đến, anh T. gặp không ít phiền hà ở nơi làm việc, còn người bạn thì bị sa thải vì đã khai gian giấy tờ.
Trung bình mỗi tháng, BHXH tỉnh nhận khoảng 1.200 hồ sơ xin cấp lại sổ do bị mất, hỏng, xin điều chỉnh nhân thân... Việc này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ.
THIỆT THÒI ĐỦ ĐƯỜNG
Theo bà Hương, ngoài việc mượn hồ sơ người khác để đi làm, nhiều NLĐ còn tự ý tẩy, sửa các giấy tờ tùy thân, thậm chí cớ mất sổ BHXH. Mục đích của việc làm này là để sở hữu cùng lúc 2 sổ BHXH với ý đồ trục lợi từ nguồn quỹ trợ cấp BHXH một lần. “Những trường hợp hồ sơ thiếu minh bạch thường bị BHXH phát hiện ngay, vì chúng tôi đang sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ trên mạng. Các thông tin thay đổi của NLĐ được cập nhật thường xuyên, do vậy rất dễ phát hiện nếu có hồ sơ trùng tên” - bà Hương nói. Thực tế, khi thay tên, đổi họ thì ngoài việc tự tạo rắc rối cho mình, NLĐ còn bị thiệt hại đến các quyền lợi của bản thân. Đáng kể là những khoản tiền liên quan đến chế độ BHXH hoặc trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế... Đã có không ít trường hợp NLĐ không được hưởng trợ cấp thai sản, do tên mẹ trong giấy khai sinh khác với tên trong hồ sơ.
Nhận định về tình trạng hồ sơ khai không đúng, ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc BHXH tỉnh, nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, nếu hồ sơ BHXH sai với tên trong chứng minh nhân dân của NLĐ thì cơ quan BHXH không thể giải quyết các chế độ. Tuy nhiên thời gian qua, có khá đông NLĐ rơi vào tình thế này và bị ảnh hưởng đến quyền lợi nên BHXH tỉnh đã thực hiện điều chỉnh lại hồ sơ cho đúng với nhân thân. Bên cạnh nhiều trường hợp đã được “lấy lại” đúng tên mình thì vẫn còn nhiều trường hợp chưa được xác định để đảm bảo quyền lợi. Nguyên nhân do NLĐ ở xa, không xác minh được người cho mượn hồ sơ, đơn vị sử dụng lao động ngại phiền nên không hỗ trợ NLĐ”.
Kim Liễu