Thận là cơ quan khá quan trọng trong cơ thể. Một khi đã bị suy thận, nhiều bộ phận khác sẽ bị ảnh hưởng và đình trệ chức năng...
Thận là cơ quan khá quan trọng trong cơ thể. Một khi đã bị suy thận, nhiều bộ phận khác sẽ bị ảnh hưởng và đình trệ chức năng...
* Chức năng của thận
Lọc sạch máu là chức năng quan trọng nhất của thận: Thức ăn, thuốc chữa bệnh... sau khi đưa vào cơ thể được hấp thụ và chuyển hóa. Cặn bã từ quá trình chuyển hóa này sẽ được thải qua thận. Khi thận yếu hoặc suy, chất cặn bã không được đào thải sẽ ứ trệ trong cơ thể.
Thận điều chỉnh lượng nước cho cơ thể. Khi thận suy, quá trình điều hòa nước bị rối loạn, sẽ xảy ra tình trạng thừa nước (gây phù). Đồng thời, khi thận suy, cơ thể sẽ ứ đọng ion natri, kali gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thận còn tham gia tạo máu: Thận sản xuất ra hormon erythropoetin, giúp cơ thể tạo máu (hồng cầu). Khi thận suy, cơ thể thiếu hormon này nên người suy thận thường có biểu hiện thiếu máu...
* Những nguyên nhân gây suy thận
Tiểu đường được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận, đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam. Tiểu đường còn gây nhiều biến chứng lên các hệ cơ quan khác. Huyết áp cao không được kiểm soát tốt sẽ gây tình trạng tiểu ra đạm, sau đó gây suy thận.
Một số thuốc điều trị bệnh có thể gây tổn thương thận, đặc biệt là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp sẽ gây độc cho thận, như: thuốc kháng viêm không steroid, kháng sinh nhóm aminoglycoside, thuốc kháng lao, thuốc, hóa chất điều trị ung thư, thuốc cản quang, một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc, kể cả thuốc nhuộm tóc...
Một số bệnh lý về niệu thận, như: sỏi thận, chướng nước thận, viêm bể thận... Nếu không điều trị tốt, các bệnh này sẽ ảnh hưởng chức năng thận, dần dần gây biến chứng suy thận mạn. Các bệnh lý cầu thận, như: hội chứng thận hư, viêm cầu thận không được điều trị tốt cũng sẽ gây suy thận.
Một số bệnh lý nhiễm trùng có thể gây biến chứng thận và suy thận, như: viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn liên cầu, nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn có độc lực cao có thể gây sốc nhiễm khuẩn và suy thận cấp. Chấn thương nặng, dập nát cơ có thể gây suy thận cấp tính. Ong đốt, rắn cắn, ngộ độc mật cá trắm cỏ, cá nóc, gan cóc độc... là các nguyên nhân gây suy thận cấp ở một số vùng nông thôn.
Ngoài ra, lối sống và một số thói quen không tốt cho thận, như: ăn nhiều muối, nhiều đường, ăn nhiều chất đạm, chất mỡ; ăn ít rau quả, ít vận động, trầm cảm, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, thực phẩm chứa hóa chất...
* Phòng ngừa suy thận
Nếu có bệnh tiểu đường, huyết áp cao cần điều trị tốt đường huyết và các bệnh lý tăng huyết áp, thường xuyên kiểm tra chất đạm trong nước tiểu. Không hút thuốc lá, bởi thuốc là một yếu tố gây ra tiểu đạm làm tổn thương thận. Nên ăn ít muối, ít chất béo, ăn nhiều cá, rau quả...
Uống đủ nước, từ 2-3 lít/ngày tùy mức vận động, thời tiết. Thể dục đều đặn. Cẩn trọng khi dùng thuốc. Khám bác sĩ chuyên khoa niệu thận định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Khi khám thận, cần chú ý kiểm tra huyết áp, nước tiểu (đạm, hồng cầu, bạch cầu), xét nghiệm máu (hàm lượng ure, creatinin).
Uyên Uyên (ghi)