Hỏi: Tôi không bị sâu răng, nhưng khi nói chuyện, hơi thở hôi nên tôi rất tự ti trong giao tiếp. Dù đã sử dụng nhiều cách, như: đánh răng nhiều lần, ngậm kẹo the, kẹo cao su, nước súc miệng… nhưng vẫn không bớt. Tôi nên làm thế nào?
Hỏi: Tôi không bị sâu răng, nhưng khi nói chuyện, hơi thở hôi nên tôi rất tự ti trong giao tiếp. Dù đã sử dụng nhiều cách, như: đánh răng nhiều lần, ngậm kẹo the, kẹo cao su, nước súc miệng… nhưng vẫn không bớt. Tôi nên làm thế nào?
Nguyễn Ngọc Nga (32 tuổi, nhân viên ngân hàng)
Đáp: Nếu răng bạn không sâu, không viêm và đã chăm sóc và giữ vệ sinh răng miệng tốt nhưng vẫn bị hôi miệng, bạn nên đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân. Hôi miệng được xác định có nhiều nguyên nhân, gồm:
Thức ăn thừa: Sự phân hủy và lên men của các mẩu nhỏ thức ăn bám quanh răng sau khi ăn có thể gây ra mùi hôi. Về vấn đề này, bạn chỉ cần đánh răng hoặc lấy sạch các mảng thực phẩm bám vào các kẽ răng bằng chỉ nha khoa là sẽ hết hôi.
Các vấn đề ở răng: Giữ vệ sinh răng miệng kém hay bệnh nha chu đều là nguyên nhân gây hôi miệng. Nếu không đánh răng hàng ngày, mảng bám răng xuất hiện, kích thích lợi gây viêm và sâu răng. Người có răng giả không được làm sạch và lắp không khít cũng là nơi tạo mùi hôi bởi vi khuẩn có chỗ ẩn núp.
Khô miệng: Nước bọt giúp làm sạch và ẩm ướt miệng bạn. Miệng bị khô có thể khiến một số tế bào chết tích tụ ở răng, lợi, lưỡi. Chúng bị phân hủy và tạo mùi. Khô miệng là hiện tượng tự nhiên trong lúc ngủ, tạo ra hôi miệng vào buổi sáng. Nó trầm trọng hơn nếu bạn ngủ hay hở miệng.
Bệnh tật: Nhiễm trùng phổi mạn tính hay bệnh áp-xe phổi có thể làm hôi miệng nặng; suy thận gây ra hôi mùi nước tiểu; suy gan gây mùi như cá tanh; bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát cũng có mùi trái cây. Hôi miệng còn gặp ở những người bị viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, trào ngược thực quản và bệnh đường tiêu hóa.
Vì thế, ngoài việc loại bỏ các nguyên nhân trên bằng cách đi chữa những bệnh lý gây ra tình trạng hôi miệng, bạn nên đánh răng sau khi ăn, xe chỉ răng 1 lần/ngày để lấy đi các mẩu thức ăn, mảng bám răng, cạo lưỡi ở cả phần sau lưỡi để lấy đi các tế bào chết, vi khuẩn và thức ăn vụn. Người có răng giả tháo lắp, sau khi ăn, nên lấy ra rửa sạch và uống nhiều nước. Ngoài ra, bạn có thể nhai kẹo cao su, ngậm kẹo không đường để kích thích tạo nước bọt, tẩy đi vụn thức ăn, vi khuẩn. Nếu bạn bị khô miệng mạn tính, nha sĩ có thể cho dùng nước bọt nhân tạo. Thay bàn chải đánh răng sau 3 tháng/lần.
Bác sĩ Đinh Cao Minh
Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai