Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa ngộ độc rượu

08:01, 29/01/2013

Ngày tết là dịp để mọi người gặp gỡ, thăm viếng và  chúc mừng nhau nên khó tránh khỏi việc mời nhau vài ly rượu. Rượu nếu uống nhiều rất dễ dẫn đến ngộ độc. Phòng ngừa ngộ độc rượu bằng cách uống chừng mực và có kiểm soát là điều nên làm.

Ngày tết là dịp để mọi người gặp gỡ, thăm viếng và  chúc mừng nhau nên khó tránh khỏi việc mời nhau vài ly rượu. Rượu nếu uống nhiều rất dễ dẫn đến ngộ độc. Phòng ngừa ngộ độc rượu bằng cách uống chừng mực và có kiểm soát là điều nên làm.

Tuy nhiên, nếu bị ngộ độc rượu, cũng cần biết cách xử lý.

* Triệu chứng ngộ độc rượu

Bác sĩ Đinh Cao Minh, Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, triệu chứng ngộ độc rượu ở người là trạng thái tinh thần lẫn lộn, nôn ói nhiều, động kinh, thở chậm, hít thở không đều, da xanh tái, thân nhiệt thấp, bất tỉnh…Tuy nhiên, ở một số người không xuất hiện đầy đủ các triệu chứng trên, vẫn bị ngộ độc nặng và có nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Một trường hợp phải cấp cứu do ngộ độc rượu.
Một trường hợp phải cấp cứu do ngộ độc rượu.

Trong trường hợp khẩn cấp, khi người say đã bất tỉnh, thở chậm và nôn không kiểm soát được, hãy đưa người đó đến bệnh viện. Bởi ngay cả khi người đó đã ngừng uống, nhưng độ cồn trong rượu vẫn tiếp tục được “phát hành” vào máu và nồng độ cồn của rượu trong cơ thể tiếp tục tăng.

* Theo dõi và xử lý tại nhà

Người bị ngộ độc rượu đã bất tỉnh cần được đưa đến bệnh viện. Nếu để ở nhà, cần được theo dõi, tránh để người say rượu nằm một mình bởi người say thường giảm phản xạ, vì thế, họ có thể sặc trong lúc nôn hoặc hít phải chất nôn của mình vào phổi, gây ra chấn thương phổi, dẫn đến tử vong. Không cho người bị ngộ độc rượu uống cà phê đen, tắm vòi nước lạnh, không cố gắng làm người say nôn ói.

* Phòng ngừa ngộ độc rượu

Để ngăn ngừa ngộ độc rượu, tất nhiên phải uống ít lần và uống ít về lượng. Nếu có uống say, nên chủ động giải rượu bia bằng một số phương pháp sau:

Trước khi uống rượu, hãy chủ động ăn một ít thức ăn có nhiều dầu mỡ, chất này sẽ tạo thành một lớp áo che kín mặt trong ruột, giảm sự thẩm thấu của rượu qua thành ruột vào máu. Nhờ đó, bạn sẽ lâu bị say hơn và say ít hơn; không uống rượu chung với nước ngọt và những thức uống khác có gas, vì gas phản ứng tạo bọt khí sẽ làm cồn ngấm vào máu nhanh hơn; uống từ từ vì cơ thể của bạn chỉ có thể chuyển hóa được 25ml rượu (45 độ) mỗi giờ -  tương đương 1/10 xị - nếu uống cấp tập, lượng cồn dôi dư sẽ thấm vào máu, đến não tạo phản ứng nhiễm độc chất cồn đối với não; nếu muốn nôn, cứ nôn ra, không nên kìm nén lại bởi nôn là phản ứng tự giải độc của cơ thể; không uống các loại thuốc chống nôn vì thuốc đó sẽ tiếp tục giữ chất độc lại trong cơ thể bạn, mà gan lại không thể lọc chất độc kịp, hậu quả là gây tổn hại nghiêm trọng tới gan, lâu ngày gây xơ gan và ung thư gan.

Phương Liễu (ghi)

 

 

 

Tin xem nhiều