Báo Đồng Nai điện tử
En

Mòn ngót răng, cổ răng: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

09:01, 22/01/2013

Một trong những lý do khiến phần lớn người bệnh đến phòng khám nha khoa hiện nay là hiện tượng bị ê buốt răng khi ăn uống những thức ăn quá nóng, lạnh hay chua, ngọt… trong khi răng không bị sâu hay bị nha chu viêm. Đó chính là bệnh lý mòn ngót răng, cổ răng với tỷ lệ xuất hiện ngày càng nhiều.

Một trong những lý do khiến phần lớn người bệnh đến phòng khám nha khoa hiện nay là hiện tượng bị ê buốt răng khi ăn uống những thức ăn quá nóng, lạnh hay chua, ngọt… trong khi răng không bị sâu hay bị nha chu viêm. Đó chính là bệnh lý mòn ngót răng, cổ răng với tỷ lệ xuất hiện ngày càng nhiều.

1. Nguyên nhân:

- Mòn cơ học: do chải răng quá mức, không đúng cách... Nhiều người vẫn có thói quen chải răng ngang như kéo đàn, lại thêm sử dụng bàn chải lông không đạt tiêu chuẩn như quá cứng hay quá tưa, sử dụng kem đánh răng có chứa nhiều chất mài mòn…

Răng mòn ngót vùng cổ răng gây ê buốt được trám phục hồi bằng Composite.
Răng mòn ngót vùng cổ răng gây ê buốt

- Mòn hóa học: thường ở mặt trong răng do dịch vị từ dạ dày có tính acid trào lên khoang miệng, hay gặp ở những người có chứng bị nôn hoặc trào ngược thực quản do nghiện rượu hoặc các rối loạn về ăn, uống như: chứng biếng ăn tâm thần hay chứng ăn uống vô độ; thói quen ăn trái cây có vị chua (acid citric) hoặc uống các loại thức uống có gas chứa nhiều carbohydrate (nước cam, chanh, coca cola); các loại dược phẩm (vitamin C nhai, Aspirin nhai,…); do làm việc ở môi trường tiếp xúc với hơi và bụi nước có tính acid ở các cơ sở sản xuất, như: ắc quy chì... thường gây mòn mặt ngoài.

- Khớp cắn lệch lạc, không hài hòa làm cho lực tác động lên răng trong quá trình ăn nhai không đồng đều hoặc tật nghiến răng, thói quen ăn thức ăn cứng gây xoắn vặn quá mức cũng gây mòn ngót răng/cổ răng.

- Những yếu tố di truyền gây loạn sản tổ chức cứng của răng (sinh men bất toàn, sinh ngà bất toàn), loạn dưỡng tế bào tạo ngà… làm sức kháng mài mòn của răng bị yếu đi.

- Do bệnh lý toàn thân, như: gout, thấp khớp, thiếu canxi, giảm tiết nước bọt,…

Trên thực tế, mòn ngót răng/cổ răng là hậu quả của hai hay nhiều nguyên nhân trên kết hợp với nhau.

2. Biểu hiện lâm sàng:

Thường gặp ở cả răng cửa ở trước lẫn răng hàm ở phía sau. Tùy nguyên nhân và mức độ mòn ngót mà có các biểu hiện khác nhau:

- Mòn răng cửa: mòn ở rìa cắn do thói quen cắn đinh ghim, nắp chai, cắn chỉ... Mòn ở mặt trong răng do hay bị nôn và mặt ngoài do tiếp xúc với bụi hoặc hơi nước có acid. Cổ răng có thể bị mòn thành khía rãnh, hình chợt phẳng hoặc có hình chêm chữ V ở mặt ngoài do chải răng không đúng phương pháp.

- Mòn răng hàm: có thể bị mòn ở các hố rãnh mặt nhai hoặc mặt trong, ngoài. Mặt nhai thường mòn tạo hình chén hoặc lõm như miệng núi lửa. Mặt ngoài mòn giống như ở răng cửa.

Nếu không phát hiện kịp thời, lâu ngày tổn thương sẽ phá hủy mô răng, gây mất chất lan rộng làm viêm nướu, mô nha chu, viêm vách giữa răng, viêm tủy, tủy chết, viêm quanh chóp răng dẫn đến những biến chứng trầm trọng khác như mất răng, ảnh hưởng đến chức năng nhai và thẩm mỹ.

3. Điều trị:

Điều quan trọng là xác định nguyên nhân gây mòn, rồi tùy mức độ nặng nhẹ, sự nhạy cảm của răng, độ lan rộng của tổn thương, tuổi tác, tâm lý và sự hợp tác của người bệnh… mà có những cách điều trị khác nhau, như: nếu bệnh nhân chưa thấy ê buốt, đau nhức trong khi mòn ngót được phát hiện qua thăm khám chỉ là rãnh khuyết nhỏ thì điều trị mang tính dự phòng, tức loại trừ nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh là chính. Ngược lại, khi sang thương mòn ngót đã gây các triệu chứng buốt khi ăn uống hoặc chải răng, dễ giắt thức ăn vào chỗ mòn gây cảm giác khó chịu… thì cần trám vùng khuyết cổ răng hoặc ghép nướu che phủ vùng khuyết thân răng. Trầm trọng nhất là răng bị tổn thương tủy không hồi phục, gây bệnh lý ở tủy và mô quanh chóp răng hoặc có nguy cơ gãy thân răng thì cần điều trị tủy răng và phục hồi bằng vật liệu trám, sau đó là phục hình.

4. Phòng ngừa:

Từ những hiểu biết về nguyên nhân của bệnh mòn ngót răng/cổ răng chúng ta có thể dễ dàng phòng tránh được bằng cách:

- Tập chải răng đúng cách: chải dọc thân răng hoặc xoay quanh cổ răng nhẹ nhàng với bàn chải lông mềm (thay mỗi 3 - 6 tháng khi bị tưa hoặc mòn quá mức), nên chọn loại kem đánh răng không hoặc ít chứa chất mài mòn.

- Bôi verni có fluoride, keo dán hoặc sử dụng các loại kem đánh răng, nước súc miệng chống ê buốt.

- Sử dụng hợp lý các loại thực phẩm và các loại dược phẩm để tránh các tác dụng phụ gây nguy hại đến dạ dày và bộ máy nhai.

- Loại bỏ tật nghiến răng bằng máng nhai, liệu pháp tâm thần… điều trị các lệch lạc về khớp cắn bằng chỉnh nha.

- Khám răng định kỳ mỗi 6 tháng để kịp thời phát hiện sớm những dấu hiệu của mòn ngót răng/cổ răng.

Bác sĩ Mai Thành Đức

(CKI răng hàm mặt)

 

Tin xem nhiều