Gần đây, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã khám, phát hiện và phải phẫu thuật để lấy giun từ trong mắt một số bệnh nhi. Trong đó, có những trường hợp giun trong mắt đã chui lên não, gây tổn thương não.
Gần đây, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã khám, phát hiện và phải phẫu thuật để lấy giun từ trong mắt một số bệnh nhi. Trong đó, có những trường hợp giun trong mắt đã chui lên não, gây tổn thương não.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thu, Trưởng khoa mắt của bệnh viện, nhiễm giun trong mắt ở trẻ là một bệnh nguy hiểm và khó phát hiện.
* Triệu chứng
Cộm và ngứa là 2 triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị nhiễm giun trong mắt. Ngoài ra, những bệnh nhân bị nặng còn có cảm giác mắt có dị vật nhọn, đau từng cơn, nhìn mờ.
Khi trẻ có triệu chứng ngứa mắt, cần đưa đến bác sĩ để được khám phát hiện bệnh. Ảnh: UYÊN UYÊN |
Qua khám lâm sàng, bác sĩ Thu phát hiện có ký sinh trùng thân tròn, giống giun nằm cuộn dưới kết mạc mắt. Những bệnh phẩm được lấy ra từ mắt bệnh nhân thường là giun chỉ.
Một số loại giun chỉ lấy ra từ mắt bệnh nhi có tên khoa học, như: Dirofilaria Repens, Thelazia callipaeda. Loại này thường sống ký sinh trên chó, mèo và động vật hoang dã nhưng “nhập cư” vào người qua nhiều đường (muỗi đốt, ăn uống, có tiếp xúc với chó, mèo). Khi xâm nhập vào người, loại giun này thường cư trú ở mắt (dưới kết mạc), ngoài ra còn có thể tìm thấy ở phổi, cơ, não, mô mềm (vú), dưới da, gan...
* Một loại bệnh nguy hiểm
Theo bác sĩ Ngọc Thu, trứng của loài giun chỉ này thường nằm ở trên mặt của chó, mèo, vì thế khi trẻ nghịch bẩn dưới nền nhà có vương vãi trứng giun hoặc các trẻ hay chơi đùa, ôm ấp, hôn hít chó, mèo… trẻ rất dễ bị nhiễm trứng giun chỉ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị nhiễm giun chỉ từ người lớn làm những công việc thường tiếp xúc với chó, mèo nhưng không vệ sinh sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ, dẫn đến lây nhiễm trứng giun từ người này sang trẻ.
Bác sĩ Thu cảnh báo: Loại giun này không cư trú ở ruột và thường xâm nhập theo đường máu đến các cơ quan nội tạng của cơ thể như: phổi, mật, gan, não...Điều đáng nói là bệnh nhân có thể tử vong do giun chui lên não nếu không được điều trị kịp thời; hoặc những trường hợp này được điều trị khỏi cũng có thể để lại hậu quả, trong đó thị lực bị giảm sút khá nặng nề.
Điều đáng nói là bệnh rất hay bị chẩn đoán nhầm là viêm nhiễm, thậm chí u mắt, viêm não... Vì thế, khi trẻ có triệu chứng đau một bên mắt, nhìn mờ thì nên đưa trẻ đến chuyên khoa mắt để được khám và điều trị sớm.
Để tránh các loại ký sinh trùng nhiễm vào cơ thể, cần bảo đảm cho trẻ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, không nên cho trẻ ăn những loại thức ăn sống, uống nước lã và tắm rửa bằng nguồn nước không sạch như nước giếng ở vùng ô nhiễm, nước ao tù.
Uyên Uyên