Hóa trị và xạ trị là những phương pháp điều trị bệnh ung thư với sự tác động của bên ngoài vào các tế bào ung thư, làm giảm phát tán và tiêu diệt các tế bào này. Tùy từng loại bệnh ung thư, vị trí và giai đoạn bệnh, sự tiếp ứng của cơ thể… mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định dùng phương pháp điều trị thích hợp.
Hóa trị và xạ trị là những phương pháp điều trị bệnh ung thư với sự tác động của bên ngoài vào các tế bào ung thư, làm giảm phát tán và tiêu diệt các tế bào này. Tùy từng loại bệnh ung thư, vị trí và giai đoạn bệnh, sự tiếp ứng của cơ thể… mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định dùng phương pháp điều trị thích hợp.
* Hóa trị là gì?
Theo bác sĩ Trương Thiết Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, hóa trị là một phương pháp quan trọng để điều trị bệnh ung thư. Hóa trị là đưa một lượng hóa chất vào cơ thể (có thể dùng đường truyền, tiêm hay uống) để diệt các tế bào ung thư (còn gọi là K). Lượng thuốc này sẽ lưu hành trong máu rồi đi đến cơ quan bị K, làm dừng hoặc làm chậm lại sự phân chia nhanh của các tế bào ung thư.
Nhân viên kỹ thuật (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) điều khiển máy chiếu xạ trị ung thư cho bệnh nhân. |
Hóa trị thường được kết hợp với phẫu trị, xạ trị và điều trị sinh học, cũng có khi được chỉ định đơn lẻ. Bác sĩ chỉ định hóa trị cho người bệnh vào những thời điểm khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và sự phối hợp với các phương pháp điều trị khác. Hóa trị có thể giúp diệt các tế bào ung thư khi bệnh tái phát, lan tràn trong cơ thể (di căn) hoặc làm khối u thu nhỏ, giúp phẫu trị hay xạ trị được thực hiện dễ dàng hơn hoặc giúp diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu trị hay xạ trị. Hóa trị cũng có thể giúp cho quá trình xạ trị hay điều trị bằng tác nhân sinh học đạt hiệu quả cao hơn.
Thường hóa trị được thực hiện theo từng chu kỳ. Mỗi chu kỳ có thể kéo dài từ một đến vài ngày, cũng có thể kéo dài vài tuần… tùy thuộc vào loại bệnh ung thư, công thức hóa trị và sức khỏe của bệnh nhân. Giữa các chu kỳ sẽ có khoảng nghỉ, mục đích là để cơ thể người bệnh phục hồi, số lượng các tế bào máu trở về bình thường. Tùy theo bệnh và mục đích điều trị, bác sĩ sẽ quyết định số chu kỳ cần thực hiện.
* Xạ trị và những vấn đề liên quan
Xạ trị là phương pháp dùng các chất phóng xạ tác động tại vùng có tế bào K, có thể là xạ trị ngoài (dùng máy chiếu tia xạ từ ngoài), hay xạ trị trong (đặt túi có chứa hoạt chất phóng xạ vào ngay vị trí K hay gần đó).
Sau hóa trị, có những bệnh nhân phải cấp cứu vì cơ thể không tiếp ứng tốt với thuốc. Ảnh: P.Uyên |
Xạ trị là phương pháp điều trị bổ sung để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể người bệnh sau khi phẫu thuật cắt bỏ phần bị K. Hiện nay, việc thực hiện xạ trị được cân nhắc và thường chỉ áp dụng sau mổ khi khối u bướu có đường kính lớn hơn 5cm; khối u, bướu đã ở giai đoạn 3; u, bướu có di căn hạch. Tuy nhiên, không phải ai ở những giai đoạn nguy cơ trên đều nhất thiết phải xạ trị, nhưng xạ trị sử dụng phổ biến ở những người có nguy cơ cao như có khối u, bướu xâm lấn. Đối với những người nguy cơ thấp, với u nhỏ và hạch âm tính, sẽ an toàn hơn nếu theo dõi chặt chẽ và chỉ dùng xạ trị khi bệnh tái phát.
Mục tiêu của xạ trị là bảo đảm tiêu diệt tất cả các tế bào ung thư trong vùng bị bệnh. Những liều tia xạ năng lượng cao sẽ được chiếu chính xác vào vùng bệnh được tính toán rất tỉ mỉ và được chiếu rất cẩn thận vào vùng da đã được đánh dấu. Mỗi lượt là bao nhiêu phút tùy theo liều lượng cho từng cá nhân.
Hiện nay, không ít bệnh nhân cảm thấy lo lắng và cho là bệnh của mình đã ở giai đoạn cuối khi được bác sĩ chuyên khoa chỉ định xạ trị. Theo bác sĩ Dũng, không thể nói người được chỉ định hóa trị hay xạ trị, bệnh ai nặng hơn, mà tùy thuộc vào loại K, vị trí K, mức độ di căn (tức phân độ K), tổng trạng của người bệnh và các bệnh lý kèm theo, như: cao huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường… mà quyết định phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị hoặc kết hợp cả 2 hay cả 3 phương pháp trên. Bởi có những K nằm ở vị trí không thể xạ trị được buộc bác sĩ phải chỉ định cho hóa trị, hoặc bệnh nhân có những bệnh lý chống chỉ định hóa trị thì bác sĩ sẽ quyết định cho xạ trị. Chỉ có một điều giống nhau ở tất cả các phương pháp trên là đều gây đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần cho người bệnh. Vì thế, người bệnh K cần chuẩn bị tinh thần thật tốt trước khi được thực hiện một hay nhiều phương pháp điều trị này.
Phương Uyên (ghi)