Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là hoạt động cần thiết cho cả nam và nữ giới. Tuy nhiên, lâu nay việc thực hiện bình đẳng giới (BĐG) trong lĩnh vực chăm sóc SKSS vẫn còn bất cập ở cả hai phía.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là hoạt động cần thiết cho cả nam và nữ giới. Tuy nhiên, lâu nay việc thực hiện bình đẳng giới (BĐG) trong lĩnh vực chăm sóc SKSS vẫn còn bất cập ở cả hai phía.
Chị M., 37 tuổi, ở phường Tân Tiến (TP. Biên Hòa) đã 3 lần sinh mổ. Do cơ địa không phù hợp với các biện pháp tránh thai có can thiệp ngoài nên vợ chồng chị tránh thai theo phương pháp tính vòng kinh. Song, phương pháp này không phải lúc nào cũng chính xác nên chị bị vỡ kế hoạch. Do đã 3 lần mổ, việc giữ lại thai theo các bác sĩ sản khoa là rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con nên chị đành phải bỏ thai.
Tránh thai là chuyện của… mấy bà!
Theo cảnh báo của bác sĩ, nếu chị có thai lại một lần nữa sẽ rất nguy hiểm và yêu cầu nên để ông xã thực hiện “kế hoạch hóa” thay vợ, bởi hiện nay có nhiều biện pháp tránh thai được thực hiện cho nam giới, như: triệt sản, cấy thuốc tránh thai nam, sử dụng bao cao su. Chị M. kể: “Mình vừa nói chuyện ấy ông xã đùng đùng phản đối. Dù biết vợ bị đe dọa tính mạng nếu có thai lần nữa, nhưng việc đi “kế hoạch” thì anh ấy quyết không đi. Anh ấy cho rằng chuyện tránh thai là của mấy bà!”.
Không chỉ có chuyện kế hoạch hóa gia đình được các ông “khoán trắng” cho vợ, mà ngay cả việc sinh con, sử dụng biện pháp tránh thai nào… nữ giới vẫn bị lệ thuộc. Đã không ít chị em phải sinh con theo ý chồng, dù đã quá số con theo quy định; bị đánh đập vì dám từ chối việc chiều chồng; bị lây những bệnh lây truyền qua đường tình dục do chồng quan hệ tình dục không an toàn bên ngoài…
Chăm sóc SKSS nam giới: Còn bỏ ngỏ…
Chăm sóc SKSS là hoạt động được thực hiện cho cả hai giới. Song lâu nay, hầu hết các hoạt động chăm sóc SKSS thường nghiêng về nữ giới mà chưa xem trọng việc chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục nam giới.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga, Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình TX.Long Khánh cho biết: “Đúng là lâu nay, hoạt động chăm sóc SKSS của trung tâm hướng nhiều đến nữ giới. Vừa qua, chúng tôi tổ chức thử nghiệm một buổi nói chuyện chuyên đề về SKSS dành riêng cho nam giới và đã thành công ngoài dự kiến khi số lượng quý ông, quý anh tham gia rất đông, rất nhiệt tình và có nhiều ý kiến trao đổi, thắc mắc liên quan đến SKSS của bản thân. Qua đó cho thấy, lâu nay nam giới ít được trực tiếp tham gia, ít được hiểu sâu về vấn đề chăm sóc SKSS, về sức khỏe tình dục nên không chỉ hạn chế trong chăm sóc SKSS bản thân mà còn kém “mặn mà” trong việc hỗ trợ nữ giới thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đây cũng là nguyên nhân chính làm gia tăng bạo lực liên quan đến SKSS, sức khỏe tình dục của nam giới đối với nữ giới”.
Bình đẳng để gia đình hạnh phúc hơn
Theo ông Lưu Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh, hiện nay, một trong hai nhóm mục tiêu cơ bản trong Kế hoạch hành động về BĐG mà Bộ Y tế đang triển khai, đó là chăm sóc SKSS cho cả hai giới, đảm bảo BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, những khó khăn đặt ra hiện nay là vẫn còn nhiều định kiến về giới trong xã hội, gia đình và ngay bản thân thành viên mỗi giới... khiến cho việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế về chăm sóc SKSS khó khăn hơn. Vì thế, việc truyền thông BĐG và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc SKSS cần được đẩy mạnh ở cả hai giới.
Để chăm sóc SKSS thực sự bình đẳng giữa nam và nữ, để gia đình hòa thuận và hạnh phúc hơn, bên cạnh các hoạt động chăm sóc SKSS dành cho nữ giới, cần phải có các dự án, chương trình, hoạt động về chăm sóc SKSS dành cho nam giới. Có như vậy, nam giới mới dễ dàng chia sẻ trách nhiệm với vợ trong sử dụng các biện pháp tránh thai, chăm sóc, nuôi dạy con; giúp đỡ vợ trong quá trình mang thai, khi sinh và sau sinh; ủng hộ, giúp đỡ vợ sử dụng biện pháp tránh thai và bảo vệ SKSS, sức khỏe tình dục…
Phương Liễu