Báo Đồng Nai điện tử
En

Quên mang thẻ Bảo hiểm y tế khi khám bệnh, vẫn được Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí

09:10, 31/10/2012

Người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi du lịch, đi công tác… không may bị bệnh và phải điều trị tại các cơ sở y tế nhưng không mang theo thẻ BHYT vẫn có thể được thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB).

Người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi du lịch, đi công tác… không may bị bệnh và phải điều trị tại các cơ sở y tế nhưng không mang theo thẻ BHYT vẫn có thể được thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB).

Người dân đăng ký khám bảo hiểm y tế tại một phòng khám tư ở TP.Biên Hòa. Ảnh: K. Liễu
Người dân đăng ký khám bảo hiểm y tế tại một phòng khám tư ở TP.Biên Hòa. Ảnh: K. Liễu

Đây là khẳng định của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh. Phương thức thanh toán bằng hình thức trực tiếp tại cơ quan BHXH.

* Trường hợp nào được thanh toán?

Ông Đồng Văn Mai, Phó giám đốc BHXH tỉnh cho biết, theo quy định, người có thẻ BHYT có thể thanh toán chi phí KCB tại cơ quan BHXH trong những trường hợp sau: KCB tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT; KCB tại cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT nhưng không đủ thủ tục KCB theo quy định của Luật BHYT: Người bệnh tự thanh toán chi phí KCB với cơ sở y tế, sau đó mang chứng từ đến BHXH để thanh toán. Căn cứ dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh được cung cấp, tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế và chứng từ hợp lệ, BHXH sẽ thanh toán cho người bệnh chi phí thực tế nhưng tối đa không vượt quá mức quy định tại điểm 1 Phụ lục 2 kèm theo Thông tư 09.

Đối với trường hợp đi KCB ở nước ngoài thì người bệnh tự thanh toán chi phí KCB, sau đó mang chứng từ đến BHXH để thanh toán theo chí phí thực tế nhưng tối đa không vượt quá mức quy định.

* Thủ tục ra sao?      

Theo quy định thì hồ sơ thanh toán trực tiếp bao gồm các giấy tờ sau: giấy đề nghị thanh toán của người bệnh có thẻ BHYT (theo mẫu); thẻ BHYT (bản sao); giấy ra viện hoặc hồ sơ bệnh án (bản chính hoặc bản sao); các chứng từ hợp lệ (đơn thuốc, sổ khám bệnh, hóa đơn mua thuốc, biên lai thu viện phí và các chứng từ có liên quan khác).

Trường hợp đi KCB ở nước ngoài, ngoài các giấy tờ quy định trên, phải có ý kiến của một cơ sở y tế tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương xác nhận về tình trạng bệnh và hướng điều trị. Đối với trường hợp người có thẻ BHYT được cử đi công tác hoặc học tập tại nước ngoài thì ngoài hồ sơ thanh toán trực tiếp, cần có thêm quyết định của cấp có thẩm quyền cử đi công tác hoặc học tập ở nước ngoài. Hồ sơ viết bằng ngôn ngữ nước ngoài, phải dịch sang tiếng Việt có công chứng.

Đối với trường hợp bị tai nạn giao thông, ngoài hồ sơ nêu trên, người bệnh phải nộp thêm văn bản xác nhận không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông của cơ quan công an từ cấp huyện trở lên.

Nếu người bệnh không tự đến cơ quan BHXH để làm thủ tục thanh toán trực tiếp được, người làm thủ tục thanh toán hộ phải có giấy ủy quyền hoặc giấy chứng nhận quyền đại diện hợp pháp cho người bệnh. Riêng đối với trẻ em dưới 6 tuổi và học sinh phổ thông, người làm thủ tục thanh toán hộ chỉ cần mang theo giấy tờ xác định là cha (mẹ) hoặc người giám hộ của người bệnh.

Những lưu ý khi đi khám chữa bệnh BHYT

Khi đi KCB, người có BHYT cần xuất trình thẻ BHYT còn hạn sử dụng, giấy tờ tùy thân có ảnh. Trường hợp cấp cứu: người bệnh được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB BHYT nào gần nhất và phải xuất trình các giấy tờ nêu trên trước khi ra viện.

Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp hồ sơ phải thêm một số giấy tờ sau: khi chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật thì phải xuất trình thêm hồ sơ chuyển viện; nếu tái khám lại theo yêu cầu của cơ sở KCB BHYT tuyến trên không qua nơi đăng ký KCB ban đầu thì người bệnh phải xuất trình thêm giấy hẹn tái khám của cơ sở KCB. Mỗi lần chuyển viện chỉ được hẹn tái khám theo chế độ BHYT một lần.

Riêng đối với các bệnh mãn tính phải điều trị dài ngày, như: lao, ung thư, bệnh tiểu đường, basedow, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp mạn tính, bệnh hemophilia, suy tủy, luput ban đỏ, parkinson, HIV/AIDS; có chỉ định dùng thuốc chống thải ghép sau ghép tạng, chạy thận nhân tạo chu kỳ và một số bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế, nếu cần tiếp tục điều trị do vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở KCB BHYT tuyến dưới, cơ sở KCB BHYT tuyến trên có thể tiếp tục hẹn bệnh nhân khám lại nhưng chỉ đến hết năm dương lịch. Cơ sở KCB cấp giấy hẹn cho lần khám sau, lưu giấy hẹn các lần khám trước trong hồ sơ thanh toán.

Kim Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều