Báo Đồng Nai điện tử
En

Chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS

09:09, 18/09/2012

Bác sĩ Đinh Văn Sức, Trưởng phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân HIV/AIDS (OPC) Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: Hàng ngày, người có HIV cần một lượng protein và năng lượng nhiều hơn bình thường để chống lại virus. Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp người nhiễm HIV phòng tránh được giảm cân, thiếu dinh dưỡng, giảm nguy cơ nhiễm trùng và tăng cường hiệu quả điều trị.

Bác sĩ Đinh Văn Sức, Trưởng phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân HIV/AIDS (OPC) Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: Hàng ngày, người có HIV cần một lượng protein và năng lượng nhiều hơn bình thường để chống lại virus. Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp người nhiễm HIV phòng tránh được giảm cân, thiếu dinh dưỡng, giảm nguy cơ nhiễm trùng và tăng cường hiệu quả điều trị.

Với một số người nhiễm HIV, tùy theo phác đồ đang điều trị sẽ được bác sĩ tư vấn những thực phẩm cần ăn kiêng. Tuy nhiên, một nguyên tắc để đảm bảo sức khỏe cho người nhiễm HIV là cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, an toàn. Để có thể ăn được nhiều, người có HIV nên chọn các loại đồ ăn thích hợp với khẩu vị và tiêu hóa của mình; không nên cố ăn uống các loại thực phẩm mà mình không thích hoặc gây rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, đau bụng, dị ứng...). Các loại đồ ăn thích hợp về mặt dinh dưỡng với người có HIV là đồ ăn chứa nhiều protein; đồ ăn chứa nhiều năng lượng; các loại chất béo (mỡ, dầu, bơ, pho mát); đồ ăn chứa nhiều vitamin.

Các loại thực phẩm mà người nhiễm HIV cần cung cấp, như: cơm, bánh mì, khoai tây… Người nhiễm HIV cũng cần ăn nhiều rau và trái cây khác nhau nhằm tăng cường các vitamin, chất khoáng và chất xơ. Người nhiễm HIV cần ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều đạm, như: thịt, cá, tôm, trứng, sữa, các loại đậu, mè, đậu phộng vì các thức ăn này có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và tăng cường khả năng chống đỡ bệnh tật của người nhiễm HIV. Một ngày một người có HIV nên ăn một lượng đạm tương đương với 4-5 quả trứng gà hoặc 2-3 lạng thịt, hoặc 3-4 lạng cá.

Với các loại gia vị, tùy vào khẩu vị của từng người mà có thể sử dụng các loại gia vị khác nhau. Tuy nhiên, những người có HIV không nên ăn quá nhiều ớt và hạt tiêu vì có thể gây kích ứng dạ dày, đồng thời làm các vết loét ở miệng lâu lành.

Nếu người có HIV không thể ăn đủ các loại thức ăn thông thường nên dùng các loại đồ uống có nhiều năng lượng như sữa và nước hoa quả pha đường. Trong trường hợp, người nhiễm HIV bị rối loạn tiêu hóa nên ăn các loại lương thực, như: cơm, bánh mì hoặc các loại trái cây có vị ngọt vì chúng có nhiều năng lượng và dễ tiêu hơn.

Người có HIV cần ăn ít nhất là 6 lần mỗi ngày. Nếu không có điều kiện để tổ chức bữa ăn thường xuyên, ngoài các bữa ăn chính trong ngày, các lần khác có thể ăn bánh kẹo, trái cây hoặc các đồ ăn nhẹ khác.

Đề phòng các loại bệnh do thức ăn gây ra, những người có HIV cần chọn mua các loại đồ ăn uống tươi, sạch, còn hạn sử dụng; cần nấu chín kỹ trước khi ăn và ăn ngay sau khi nấu. Người có HIV không nên ăn các loại rau sống trừ khi những rau này được rửa thật sạch và ngâm trong nước muối loãng để loại trừ phần lớn các loại vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh. Các loại trái cây nên được gọt vỏ trước khi ăn.     

Cuối cùng, để người nhiễm HIV được khỏe mạnh, ngoài tăng cường dinh dưỡng, mỗi người nhiễm HIV/AIDS cần phải có tinh thần lạc quan, tuân thủ điều trị.

Hà Châu (ghi)

Tin xem nhiều