Nhồi máu não là tình trạng thiếu máu não cục bộ, xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, khiến máu không lên được não. Khu vực não không được tưới máu sẽ chết và hoại tử, gây ra chứng đột quỵ và đột tử. Nhồi máu não gây tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh lý tim mạch và ung thư, đồng thời là bệnh gây tàn phế đứng hàng cao nhất ở người trưởng thành, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nhồi máu não là tình trạng thiếu máu não cục bộ, xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, khiến máu không lên được não. Khu vực não không được tưới máu sẽ chết và hoại tử, gây ra chứng đột quỵ và đột tử. Nhồi máu não gây tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh lý tim mạch và ung thư, đồng thời là bệnh gây tàn phế đứng hàng cao nhất ở người trưởng thành, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
* Nhiều di chứng, tử vong nhanh
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Phó khoa nội thần kinh (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai), nhồi máu não là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh, gây tổn thương não và làm giảm đột ngột hoặc ngưng hoàn toàn việc cung cấp máu đến não. Cảnh báo của các chuyên gia y tế, số ca đột tử hoặc để lại di chứng sau nhồi máu não trong những năm gần đây có xu hướng cao.
Tập vật lý trị liệu cho người bị di chứng nhồi máu não tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai. Ảnh: P. Liễu |
Nguy cơ bị nhồi máu não tăng dần theo độ tuổi: sau 50 tuổi, nguy cơ khá cao; tuổi từ 65 trở lên, nguy cơ nhồi máu não và đột quỵ tăng gấp 7 lần so với người ở độ tuổi 50. Nam giới thường bị nhiều hơn nữ giới. 80% trường hợp nhồi máu não gây ra chứng đột quỵ và tử vong nhanh. Tuy nhiên, nếu chủ động được trong việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị thì bệnh nhân sẽ sống và tránh được những di chứng, như: liệt, mù, nói ngọng, méo miệng, sa sút tâm thần…
* Cơ hội cho người bệnh nhồi máu não
Trước đây, gần như 100% bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não tử vong rất đột ngột, nếu sống được đều bị di chứng nặng nề do thiếu kỹ thuật, thuốc điều trị và phát hiện các triệu chứng khởi phát chậm nên đến bệnh viện muộn, làm mất cơ hội “thời gian vàng” trong điều trị can thiệp giảm thiểu tác hại.
Hiện y học đã có bước đột phá mới khi làm tái thông động mạch máu não bị tắc bằng phương pháp bơm thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch và động mạch một cách gián tiếp, cao hơn là kỹ thuật tiêu sợi huyết bằng đường động mạch. Cao hơn nữa là kỹ thuật lấy cục máu đông làm tắc động mạch não ra, nhằm khắc phục tình trạng tắc nghẽn mạch máu ở não khi cơn đột quỵ mới xuất hiện.
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã thực hiện được kỹ thuật tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch và đã điều trị thành công cho một bệnh nhân bị nhồi máu não cấp, liệt người, không nói được, nguy cơ tử vong cao bằng kỹ thuật bơm thuốc tiêu huyết khối. Kết quả đã giảm được 70% nguy cơ di chứng bại liệt, méo mặt ở bệnh nhân.
* Tận dụng cơ hội “thời gian vàng”
Theo bác sĩ Quang, hiện mỗi ngày Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiếp nhận từ 4-5 bệnh nhân bị nhồi máu não, nhưng do điều kiện đến bệnh viện muộn nên không thể thực hiện được kỹ thuật này.
Đây là kỹ thuật rất mới, đòi hỏi người bệnh phải được cấp cứu càng sớm càng tốt, chậm nhất là 3 giờ kể từ khi các triệu chứng đầu tiên của nhồi máu não khởi phát, như: yếu nửa người, thở khó, lơ mơ, yếu chi. “Thời gian vàng” này quyết định sự thành công hay thất bại của việc thực hiện kỹ thuật. Đến càng muộn, vùng não chết càng rộng, càng khó phục hồi.
Để bảo đảm cho việc thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết thành công, đòi hỏi cả một ê-kíp thực hiện khẩn cấp từ khâu cấp cứu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh đến thực hiện kỹ thuật. Do tính chất khẩn cấp của ca bệnh, từ tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã thống nhất với các khoa, phòng là phải dành ưu tiên cho những ca nhồi máu não cần được thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết bằng một dấu mộc riêng. Bệnh nhân được ưu tiên thực hiện kỹ thuật chiếu chụp, xét nghiệm trong thời gian sớm nhất. Song, yếu tố quyết định sự thành công là từ phía người bệnh có được cấp cứu sớm hay muộn. Do đó, theo bác sĩ Quang, nếu thấy người thân đang sinh hoạt bình thường bỗng bị yếu chi, méo miệng, lơ mơ… nên đưa thẳng đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, không nên để bệnh nhân ở nhà để theo dõi hoặc đến những bệnh viện không thực hiện được kỹ thuật này để tận dụng “thời gian vàng”. Bởi hiện nay, dù được phép thực hiện khẩn trương, nhưng quy trình từ cấp cứu, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phục vụ điều trị đến lúc thực hiện kỹ thuật nhanh nhất cũng phải mất 1 giờ. Nếu đến bệnh viện trễ, sẽ mất cơ hội vàng để cứu sống bệnh nhân cũng như cứu bệnh nhân khỏi những di chứng nặng nề sau này.
Phương Liễu (ghi)