Dị ứng thuốc nếu nhẹ chỉ gây mẩn đỏ sưng tấy, nặng có thể dẫn đến phỏng giộp da, sốc và tử vong. Thời gian vừa qua, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận khá nhiều ca trẻ bị dị ứng thuốc, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Dị ứng thuốc nếu nhẹ chỉ gây mẩn đỏ sưng tấy, nặng có thể dẫn đến phỏng giộp da, sốc và tử vong. Thời gian vừa qua, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận khá nhiều ca trẻ bị dị ứng thuốc, gây nguy hiểm đến tính mạng.
* Vì sao bị dị ứng thuốc?
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), dị ứng thuốc là sự phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể đối với một loại thuốc nào đó. Dị ứng thuốc nhẹ có thể gây ra hàng loạt các phản ứng từ sưng tấy đến phồng giộp, nổi bóng nước da toàn thân. Nguy hiểm hơn là trụy tim mạch, dẫn đến sốc và tử vong.
* Triệu chứng và những nhóm thuốc dễ gây dị ứng
Triệu chứng của dị ứng thuốc là khi vừa hoặc đang dùng thuốc thì xuất hiện các biểu hiện bất thường, như: nổi ban đỏ, mẩn ngứa, sốt, khó thở, tím tái, tim đập nhanh, hồi hộp, sợ hãi, choáng váng, hạ đường huyết, ngất xỉu, nổi mụn trên da… Các loại thuốc thuộc nhóm kháng sinh, chống viêm, giảm sốt, vitamin, thuốc điều trị trầm cảm… là những thuốc thường gây dị ứng nhiều nhất.
Bệnh nhân Lâm Anh được điều trị dị ứng thuốc tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. |
Mới đây, bệnh nhân Lâm Anh, 15 tuổi, ở phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) đã phải cấp cứu tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai để điều trị dị ứng khá nặng gây phỏng giộp da toàn thân do uống thuốc điều trị bệnh trầm cảm. Mẹ của bệnh nhân Lâm Anh cho biết, một tháng sau khi uống thuốc, toàn thân con bà da đỏ như người bị bỏng, một số chỗ da bị lóc ra, lộ rõ những mảng thịt màu hồng. Bệnh nhân sốt cao, tổn thương da lan rộng toàn thân, kèm bóng nước, lở loét niêm mạc môi, miệng, hậu môn gây nhiễm trùng, đau họng, khó nuốt. Các tổn thương sưng đỏ, rỉ dịch niêm mạc mũi, kết mạc mắt… Bệnh viện chẩn đoán em bị hội chứng Stevens Johnson do dị ứng thuốc. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực với truyền dịch bù nước điện giải, hạ sốt, dinh dưỡng năng lượng cao, chăm sóc da, niêm mạc, nằm phòng riêng để tránh nhiễm trùng thêm. Sau một tuần điều trị, các mảng da phồng giộp của bệnh nhân đã khô và tróc ra. Thời gian hình thành lớp da mới là thời kỳ khó khăn cho việc chống nhiễm trùng.
* Nguyên nhân và cách phòng tránh
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Dị ứng thuốc có thể là do bệnh nhân dùng thuốc kém chất lượng, thuốc quá hạn sử dụng, thuốc giả; tự ý dùng thuốc không đúng chỉ định, khi dùng thuốc không chú ý đến các đặc điểm tương tác, tương kỵ và dị ứng thuốc. Ngoài ra, những người có cơ địa dị ứng, đã hoặc đang có các bệnh dị ứng thì cũng dễ bị dị ứng thuốc.
Để phòng ngừa dị ứng thuốc, người dân chỉ nên sử dụng thuốc khi cần thiết; dùng đúng, đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý uống thuốc, không dùng thuốc mất nhãn mác, thuốc đã chuyển màu, quá hạn; không mua và uống thuốc ở những điểm bán thuốc không tin cậy; khi thấy hiện tượng sốt, da bị kích ứng, nổi những chấm đỏ… phải ngừng ngay việc sử dụng thuốc, đồng thời đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời; khi đi, nhớ mang theo những loại thuốc đã uống để bác sĩ biết và có phương pháp can thiệp hiệu quả hơn.
Phi Trường (ghi)