Đồng Nai là tỉnh có diện tích chôm chôm khá lớn với hơn 11 ngàn hécta. Cây chôm chôm tuy dễ chăm sóc, song cũng hay mắc một số bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng của trái.
Đồng Nai là tỉnh có diện tích chôm chôm khá lớn với hơn 11 ngàn hécta. Cây chôm chôm tuy dễ chăm sóc, song cũng hay mắc một số bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng của trái.
Trong thời điểm cây chôm chôm ra hoa, đậu trái nếu không phòng trừ tốt sẽ phát sinh một số loại sâu bệnh gây hại, như: bệnh thối trái, sâu đục trái, ruồi đục trái…
* Bệnh thối trái
Bệnh thối trái chia làm hai loại là bệnh thối khô và bệnh thối nhũn.
Bệnh trái thối khô do nấm oidium sp. gây ra. Bệnh này thường gây hại trên cành non, lá non, hoa và trái non. Mùa ra hoa cũng là mùa bệnh thường xuyên xuất hiện. Đặc trưng của bệnh là vết bệnh bao phủ một lớp phấn màu xám trắng của các bào tử nấm và lây lan rất nhanh. Bệnh nặng làm cho các chùm hoa bị cong queo và khô dần. Trên trái non bị bệnh, đầu gai bị đen và lan dần vào trong làm trái bị biến dạng, khô đen và đeo bám trên chùm. Bệnh gây hại nặng trên những chùm trái phơi ra ngoài nắng.
Phòng trừ bệnh tốt vườn chôm chôm cho năng suất cao. Trong ảnh: Chôm chôm trồng ở xã Lộc An, huyện Long Thành. |
Bệnh trái thối nhũn là do nấm phytophthora sp. gây ra. Vết bệnh đầu tiên là những vùng nâu nhỏ trên trái. Bệnh nặng, vết bệnh lan dần từ vùng cuống trái xuống bên dưới hoặc vào bên trong, thịt trái nhũn, chảy nước, có mùi hôi chua và rụng sớm. Vào buổi sáng có thể thấy những tơ nấm trắng phát triển trên vết bệnh ở vỏ trái. Bệnh thường gây hại nặng cho những chùm trái bên dưới và bên trong tán cây gần mặt đất. Ngoài ra, bệnh còn gây hại giai đoạn sau thu hoạch, trong quá trình tồn trữ và vận chuyển.
Bệnh thối trái thường gây hại nặng trên các vườn trồng quá dày, rậm rạp. Bệnh phát sinh và phát triển mạnh trong mùa mưa, ẩm độ cao và nhất là những loại trái chùm. Sâu đục trái cũng tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển mạnh.
Cách phòng trừ bệnh này là tạo điều kiện cho cây khỏe, sinh trưởng mạnh bằng các biện pháp canh tác, như: bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm, tỉa cành thông thoáng, vườn cây có hệ thống thoát nước tốt, tránh ngập úng cho cây. Dùng nạng chống đỡ những chùm trái bên dưới tán, hạn chế cho chúng tiếp xúc gần mặt đất. Tỉa bỏ các cành khuất trong tán. Trồng mật độ vừa phải, tránh trồng xen quá nhiều cây bóng râm sẽ tạo ẩm độ cao trong vườn làm bệnh phát triển mạnh. Thu gom và tiêu hủy những trái bệnh để hạn chế lây lan. Bón phân hữu cơ hoai mục, chế phẩm sinh học trichoderma để tạo nguồn vi sinh vật đối kháng.
Khi bệnh chớm xuất hiện, tùy theo bệnh thối khô hay thối nhũn mà chọn thuốc xử lý. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: bệnh thối khô sử dụng thuốc Map Super 300EC, Kumulus 80DF, Tilt 250EC; bệnh thối nhũn: Mataxyl 500WP, Aliette 80WP, Mexyl- MZ 70WP, phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày. Nếu những vùng có áp lực bệnh cao có thể phun ngừa khi trái còn nhỏ. Chú ý bảo đảm đúng thời gian cách ly để nông sản được an toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Khi tồn trữ và vận chuyển nên loại bỏ hoàn toàn những trái bị bệnh để tránh lây lan.
* Sâu đục trái
Sâu đục trái là loại bướm nhỏ, thân dài 12mm, sải cánh rộng 25mm. Toàn thân có màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Loại sâu bướm gây hại này đẻ trứng hình bầu dục, dài 2mm. Trứng mới đẻ màu trắng sữa, sau chuyển thành màu vàng nhạt. Trứng nở thành sâu màu hồng, đầu nhỏ màu nâu, khi đủ lớn sâu chui ra ngoài làm nhộng trên các lá khô chung quanh hoặc nơi tiếp giáp giữa các trái trong chùm. Vòng đời của sâu khoảng 30 ngày.
Sâu bướm thường gây hại về đêm, ban ngày ẩn trong tán lá. Bướm thường bám trên chùm hoa để hút mật và đẻ trứng trên trái non. Trái non bị sâu đục thường biến dạng, khô và rụng. Trái đã lớn bị sâu đục làm giảm chất lượng.
Phòng trừ sâu bệnh đục trái hiệu quả là thu gom những trái bị nhiễm bệnh chôn xuống đất. Xử lý cây ra hoa sớm sẽ hạn chế được thiệt hại do sâu đục trái. Những vùng thường bị hại nặng có thể phun trừ thuốc phòng trừ 1-2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 7-10 ngày.
Nguyệt Hạ