Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng chống bệnh lao ở trẻ em

09:04, 10/04/2012

Trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch phát triển chưa hoàn chỉnh nên thường rất dễ nhiễm bệnh, nhất là bệnh lao. Nếu trẻ bị bệnh lao mà không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, sẽ để lại những hậu quả khó lường về sức khỏe và tính mạng. 

Trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch phát triển chưa hoàn chỉnh nên thường rất dễ nhiễm bệnh, nhất là bệnh lao. Nếu trẻ bị bệnh lao mà không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, sẽ để lại những hậu quả khó lường về sức khỏe và tính mạng.  

Chích ngừa lao cho trẻ.
Chích ngừa lao cho trẻ.

* Dấu hiệu bệnh lao ở trẻ em

Theo bác sĩ Lương Văn Châu, Phó giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai, bệnh lao ở trẻ em rất khó nhận biết vì triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt nên dễ bị nhầm với các bệnh lý khác. Trẻ ở độ tuổi nào cũng có thể bị mắc lao, nhưng nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi và ở những trẻ không tiêm chủng ngừa lao. Ở giai đoạn sơ nhiễm lao,  thông thường trẻ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng như cảm cúm thoáng qua hay nóng sốt, mệt mỏi, chán ăn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh biểu hiện ở niêm mạc và ngoài da, như: nổi ban hồng 2-3 đợt hay viêm kết giác mạc. Giai đoạn này, trẻ có thể tự khỏi nếu ở thể nhẹ và sức đề kháng của trẻ cao.

* Nguồn lây lao

Trẻ bị lao thường bị lây nhiễm mầm bệnh từ người thân có bệnh lao. Đặc biệt, trẻ trong các gia đình nghèo, điều kiện sống chật chội và ở những trẻ bị suy dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch suy giảm, khả năng mắc lao rất cao. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị lây bệnh lao ở trường học, ngoài cộng đồng.

Tỷ lệ lây nhiễm lao phát triển thành bệnh lao ở trẻ là khoảng 10%.  Nguy cơ này tùy thuộc nhiều yếu tố, như: tuổi khi nhiễm lao, tình trạng dinh dưỡng của trẻ, tình trạng vi khuẩn lao của nguồn lây tiếp xúc (lao thường hay lao kháng thuốc), thời gian và cường độ tiếp xúc với nguồn bệnh nhiều hay ít.

* Phòng ngừa các loại bệnh lao ở trẻ

- Lao màng não

Xảy ra 2 đến 12 tháng sau sơ nhiễm lao. Bệnh có các  triệu chứng, như: sốt nhẹ, tính nết trẻ bỗng trở nên khó chịu,  sốt cao liên tục ở 38oC, nhức đầu, ói mửa, cổ cứng và đôi khi có dấu hiệu tổn thương thần kinh trung ương, bị lé mắt, động kinh, sụp mí mắt. Nếu chẩn đoán chậm thì rối loạn tri giác đưa đến hôn mê và tổn thương thần kinh rộng - chẩn đoán chậm đưa đến triệu chứng chức năng nặng, như: liệt, mù, điếc. Do đó, với các triệu chứng báo động, các bậc phụ huynh phải đưa các trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán sớm hoặc thực hiện các xét nghiệm  đặc hiệu.

- Lao cấp tính

Lao màng não, lao kê cấp tính là 2 biến chứng nặng và sớm của sơ nhiễm lao dễ đưa đến tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm. Lao này xảy ra ở các lứa tuổi, nhưng nhiều nhất ở trẻ nhỏ không tiêm vaccine ngừa lao và trẻ dưới 2 tuổi.

- Lao kê

Xuất hiện trong những tuần lễ sau sơ nhiễm lao, với sốt cao, mạch nhanh ói mửa, tiêu chảy, không nổi ban, trẻ thường có các dấu hiệu hô hấp khó thở, tím tái. Chẩn đoán dựa trên X-quang phổi. Lao kê thường kết hợp với lao màng não, tràn dịch màng phổi 1 hay 2 bên, tràn dịch màng tim, hạch ngoại vi, gan lách.

- Lao màng phổi

Ít khi gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, thường xảy ra ở trẻ lớn trên 10 tuổi sau 6 tháng sơ nhiễm lao. Lao màng phổi thường có các triệu chứng: mệt, sút cân, ho, đau tức ngực, X-quang phổi sẽ thấy tràn dịch.

-  Lao phổi

 Trẻ từ 10 tuổi trở lên hay bị lao phổi. Triệu chứng: sốt nhẹ về chiều, mệt, chán ăn, gầy, tức ngực, ho đàm hay có máu. Lao phổi có thể kết hợp với lao màng phổi và lao hạch trung thất.

- Lao ngoài phổi

Thường gặp lao hạch ngoại vi, lao xương khớp, lao màng bụng và lao niệu, sinh dục.

* Phòng bệnh

Bệnh lao trẻ em có thể chữa lành được với hóa trị lao ngắn ngày, kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc (uống thuốc đúng, đủ, đều và không được bỏ sót). Tuy nhiên, nếu đang điều trị mà không tuân thủ nguyên tắc, bệnh sẽ chuyển sang thể kháng thuốc, chữa khó khăn và lâu dài hơn. Vì thế, phòng bệnh lao cho trẻ phải được các bậc cha mẹ quan tâm.

Sau khi sinh 3 ngày, trẻ phải được tiêm vaccine BCG ngừa lao. Khoảng 1 tháng sau, nếu không thấy sẹo BCG ở cơ tay - vai thì phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thử phản ứng IDRR. Trường hợp kết quả thử là âm tính thì cần cho trẻ tiêm lại vaccine phòng lao. Các bậc cha mẹ cần tránh để trẻ bị suy dinh dưỡng và nếu trong gia đình có người bị lao thì phải cách ly trẻ khỏi nguồn lây. Nếu thấy trẻ có những triệu chứng trên, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị can thiệp kịp thời.

Phương Liễu (ghi)

        

 

 

Tin xem nhiều