H.O, một bé gái 3 tuổi, nhà ở TP.Biên Hòa, được cha mẹ đưa đến Cơ sở đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ (thuộc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố) với các biểu hiện của việc rất khó khăn trong quan hệ xã hội, thích chơi một mình, ít quan tâm đến thế giới xung quanh mà thường khu trú vào các hoạt động của bản thân.
H.O, một bé gái 3 tuổi, nhà ở TP.Biên Hòa, được cha mẹ đưa đến Cơ sở đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ (thuộc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố) với các biểu hiện của việc rất khó khăn trong quan hệ xã hội, thích chơi một mình, ít quan tâm đến thế giới xung quanh mà thường khu trú vào các hoạt động của bản thân.
H.O phát triển ngôn ngữ khá tốt so với bạn đồng lứa, trí tuệ phát triển bình thường, tuy nhiên em có thói quen si mê lạ lùng với một vấn đề, hay một đồ vật. Ban đầu, gia đình cho rằng em mắc phải hội chứng tự kỷ nhẹ. Tuy nhiên, sau khi được đánh giá bởi nhóm các nhà chuyên môn, em được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger - một hội chứng thuộc rối loạn phổ tự kỷ.
Rối loạn Asperger được đặc trưng bởi sự suy giảm mối tương tác xã hội, có hành vi và sự hứng thú hạn chế như trong rối loạn tự kỷ, nhưng tiến trình phát triển sớm của nó khác với tự kỷ ở một số điểm. Rối loạn này cũng có tên gọi khác là nhân cách tự kỷ, rối nhiễu dạng phân liệt của tuổi trẻ em. Đó là một mẫu tự kỷ nhẹ, trung gian giữa tự kỷ và bình thường, khởi phát sau năm tuổi thứ hai.
Trẻ em rối loạn Asperger thấy bản thân chúng có sự cô lập với xã hội, nhưng chúng không thường xuyên thoái lui trong tiếp xúc với người khác. Thí dụ, trẻ có thể tham gia nói chuyện nhưng cuộc hội thoại thường một chiều, trẻ nói hơi dài không dứt, nói về sự ưa thích và chủ đề rất hạn hẹp; trẻ không nhạy cảm với những cảm nhận và ý định của người khác; có trực giác kém, thích nghi kém…
Mặc dù sự bất thường về ngôn ngữ nói là không điển hình ở trẻ rối loạn Asperger, nhưng trong lâm sàng có mối quan tâm đến 3 khía cạnh của các kiểu giao tiếp. Thứ nhất, trẻ có ngôn điệu nghèo, nhịp điệu ngôn ngữ không bình thường (như quá nhanh hoặc thiếu trôi chảy, dằn từng tiếng), không có sự điều chỉnh cường độ. Thứ hai, cách nói đột nhiên xa rời chủ đề hoặc nói một cách gián tiếp, các ý không có mối liên hệ gắn kết. Thường trẻ độc thoại không ngớt về những cái tên, những con số hoặc vô số đặc điểm nào đó, hình như khó dừng lại được. Thứ ba, kiểu giao tiếp thường đặc biệt dài dòng, hầu như không bao giờ tới điểm dừng và kết luận. Trẻ nói không ngừng về những chủ đề ưa thích, hoàn toàn không quan tâm rằng liệu người nói chuyện có hứng thú nghe hay không, có muốn nói chuyện nữa không, có muốn được nói xen vào hay không và có muốn thay đổi chủ đề hay không.
Trẻ tích lũy điển hình một số lượng thông tin lớn, lạ thường với chủ đề hạn hẹp, thí dụ về các loài rắn, tên các vì sao… Kỹ năng vận động của trẻ đạt được chậm, vụng về, phối hợp động tác kém.
Về tâm lý, trẻ rất mạnh về kỹ năng nghe, nói, học thuộc lòng, nhưng rất thiếu sót trong vận động nhìn, kỹ năng nhận thức nhìn và học tập khái niệm. Nhiều trẻ có thể có kèm lo âu và trầm cảm.
Đánh giá và can thiệp với các rối loạn phổ tự kỷ nói chung, hội chứng asperger nói riêng là một vấn đề khó khăn, đòi hỏi một êkíp gồm các bác sĩ tâm thần nhi, chuyên gia tâm lý lâm sàng, chỉnh âm, giáo dục đặc biệt, công tác xã hội. Việc can thiệp phải dựa trên chương trình đánh giá chính xác bằng cả quan sát lâm sàng và các thang đo, trắc nghiệm chuẩn hóa. Trong can thiệp, sử dụng hóa dược và các liệu pháp y sinh khác như dinh dưỡng, oxy cao áp... là những liệu pháp hỗ trợ cho các chương trình can thiệp bằng tâm lý và giáo dục đặc biệt.
Vũ Thị Loan