Hiện nay, cúm gia cầm đang lây lan ra nhiều tỉnh trong cả nước. Đồng Nai là địa phương có nhiều quốc lộ chạy qua nên nguy cơ bùng phát dịch khá cao.
Hiện nay, cúm gia cầm đang lây lan ra nhiều tỉnh trong cả nước. Đồng Nai là địa phương có nhiều quốc lộ chạy qua nên nguy cơ bùng phát dịch khá cao.
Đồng Nai có tổng đàn gia cầm khoảng 9 triệu con, trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ chiếm hơn 1 triệu con. Theo Chi cục Thú y, để hạn chế dịch có thể bùng phát bà con nông dân áp dụng nghiêm ngặt một số biện pháp phòng chống.
* Đặc điểm của bệnh
Bệnh cúm gà là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm Type A thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Virus cúm A gây bệnh chính cho gia cầm, một số loài động vật có vú và con người. Bệnh cúm gia cầm động lực cao (HPAI) được tổ chức thú y thế giới (OIE) xếp vào danh mục bảng A của Luật Thú y quốc tế. Virus gây cúm gia cầm hiện nay đã được xác định là H5N1. Loại virus này lúc đầu xuất hiện ở một số nước chỉ gây bệnh cho gia cầm mà không gây bệnh cho thủy cầm. Song, sau khi virus này lây lan vào nước ta một thời gian chúng lại gây bệnh cho cả thủy cầm và động lực của nó rất mạnh. Thời gian gần đây cúm gia cầm ở các tỉnh phía Bắc đang biến thể sang dạng động lực cao mới, khiến vaccine phòng cúm gia cầm đang sử dụng không còn tác dụng. Đây là type virus có tính biến dị cao và có khả năng kết hợp với các type khác rất mạnh, đó là nguy cơ sinh ra đại dịch.
Chăn nuôi gà giống ở Công ty TNHH MTV chăn nuôi Bình Minh (huyện Trảng Bom). |
Virus cúm lây lan mạnh trong điều kiện độ ẩm cao và nhiệt độ lạnh. Loại virus này cư trú trên các loài thủy cầm di cư như: cò, ngỗng trời, vịt trời nên sự lây lan của bệnh rất khó kiểm soát.
* Triệu chứng của bệnh cúm gia cầm
Loài mắc bệnh là gà, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, các loại chim… Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 21 ngày, có trường hợp kéo dài đến 28 ngày. Gà bị bệnh sốt cao, chảy nước mắt, da mào tím tái, chân xuất huyết, chảy nước dãi. Tỷ lệ mắc bệnh và chết khác nhau tùy thuộc vào loài vật mắc bệnh và động lực của virus gây bệnh cũng như tuổi mắc và điều kiện môi trường. Trường hợp virus gây bệnh có độc lực cao gà có thể mắc và chết 100%.
Con vật khi mắc bệnh sốt cao, còn có biểu hiện không bình thường ở hệ tiêu hóa, hô hấp, sinh sản và thần kinh. Triệu chứng chung: con vật giảm hoạt động, ăn ít, gầy yếu. Riêng với gà đẻ trứng, giảm sản lượng trứng. Trường hợp nặng, biểu hiện ho, khó thở, chảy nước mắt, đứng tụm một chỗ, lông xù, phù đầu và mặt, những chỗ da không có lông thường tím tái, chân bị sốt huyết, rối loạn thần kinh, ỉa chảy, một số con còn có biểu hiện co giật, hoặc đầu ở tư thế không bình thường, những triệu chứng trên có thể gặp cùng một lúc hoặc riêng lẻ.
* Bệnh tích và đường lây truyền
Bệnh tích ở các loài khác nhau nhưng thường thấy mào, yếm sưng to, phù quanh mắt. Bệnh tích của gà rất giống bệnh newcastle.
Bệnh này có thể truyền trực tiếp giữa con mắc bệnh và con cảm nhiễm. Ngoài ra, bệnh còn có thể truyền gián tiếp thông qua không khí, dụng cụ chăn nuôi, xe cộ, phân rác, thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh... Thực tế, thời gian qua nhiều nơi trong cả nước bùng phát dịch cúm gia cầm là do những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại, mua gà mang sẵn mầm bệnh...
* Phòng bệnh cúm gia cầm
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để trị bệnh cúm gia cầm cho nên biện pháp chính để ngăn chặn dịch là phòng bệnh. Để phòng dịch cúm gia cầm bùng phát và lây lan ra diện rộng, các địa phương thành lập các chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc lây lan từ vùng có dịch sang vùng không có dịch. Các trang trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn nên áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nhằm ngăn chặn mầm bệnh đưa vào trại. Dung cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ bảo hộ lao động và con người vào trại phải được tiêu độc, khử trùng. Thức ăn, nước uống và chất độn chuồng cho gia cầm, thủy cầm đảm bảo không chứa mầm bệnh.
Các hộ chăn nuôi đăng ký với phòng nông nghiệp, trạm thú y địa phương để thẩm tra điều kiện thú y và cấp phép chăn nuôi lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm virus cúm theo quy định. Ngoài ra, thường xuyên sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, vệ sinh thức ăn nước uống, dụng cụ chăn nuôi. Hạn chế tối đa người ra vào trại chăn nuôi và không nuôi nhiều loại gia cầm, thủy cầm cùng một trại. Với gà thả vườn, nên quây nhốt vào một nơi để dễ kiểm soát. Định kỳ pha vitamin C vào nước uống cho gia cầm để tăng sức đề kháng.
Nguyệt Hạ