Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý khi bị phơi nhiễm HIV

08:02, 14/02/2012

Những người làm trong ngành y tế, công an, những người chăm sóc người thân bị nhiễm HIV là những đối tượng có khả năng bị phơi nhiễm HIV cao. Làm gì khi bị phơi nhiễm HIV?

Những người làm trong ngành y tế, công an, những người chăm sóc người thân bị nhiễm HIV là những đối tượng có khả năng bị phơi nhiễm HIV cao. Làm gì khi bị phơi nhiễm HIV?

* Nguồn lây nhiễm

Về cơ chế lây nhiễm HIV, chỉ khi nào có sự tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch tiết của cơ thể người có HIV thì mới có nguy cơ lây nhiễm HIV. Cụ thể:

Nhân viên y tế là người có khả năng bị phơi nhiễm HIV cao.
Nhân viên y tế là người có khả năng bị phơi nhiễm HIV cao.

- Máu, chất dịch cơ thể của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương (chàm, bỏng, vết loét, xây xước từ trước) hoặc bắn vào niêm mạc (mắt, mũi, họng …).

- Tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người có HIV bị vỡ đâm vào.

- Vết thương do bị bơm kim tiêm hoặc các dụng cụ sắc nhọn đã hoặc đang dùng cho người có HIV đâm vào.

- Quan hệ tình dục với người có HIV mà không sử dụng bao cao su.

* Làm gì khi mắc nguy cơ phơi nhiễm HIV?

Nếu máu và dịch tiết của người có HIV văng, dính  vào những vùng da lành (không bị tổn thương hay xây xước) thì không có nguy cơ lây nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm cũng thấp khi tổn thương da xây xát nông, không chảy máu hoặc chảy máu ít.

Những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao là khi máu và chất dịch của người có HIV bắn vào các tổn thương da sâu, rộng, chảy nhiều máu, các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét rộng từ trước. Trong những trường hợp như thế, nên xử lý theo những cách sau:

Trước hết, cần xử lý vết thương ngay tại chỗ. Đối với những tổn thương da gây chảy máu cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch ngay càng sớm càng tốt (lưu ý là không được lau trực tiếp vào vết thương). Sau đó, để vết thương chảy máu một hai phút rồi tiếp tục rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch, rồi sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn như cồn, rượu trong 5 phút.

Trong trường hợp bị máu hoặc dịch tiết của người có HIV bắn vào mắt, mũi cần rửa mắt hoặc nhỏ mũi bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu bắn vào miệng thì cần xúc miệng bằng dung dịch nước muối nhiều lần.

* Điều trị dự phòng phơi nhiễm

Đối với những trường hợp có nguy cơ thấp hoặc nguy cơ cao đều có thể điều trị dự phòng bằng ARV. Người bị phơi nhiễm cần đến Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm phòng chống AIDS và các phòng tư vấn và xét nghiệm HIV cấp huyện để được tư vấn và điều trị dự phòng bằng thuốc.

Việc điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị ARV sớm từ 2 - 6 giờ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 giờ. Thời gian điều trị ARV kéo dài trong 4 tuần. Hiện nay, chỉ các trường hợp bị phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ, chuyên môn mới được điều trị dự phòng miễn phí, còn các trường hợp phơi nhiễm cộng đồng phải mua thuốc.

Trong thời gian điều trị dự phòng ARV, cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV. Đồng thời, người bị phơi nhiễm cần xét nghiệm HIV sau 1, 3 và 6 tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm. Trong thời gian này, người bị phơi nhiễm cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV cho người khác vì vẫn có khả năng lây truyền HIV nếu điều trị phơi nhiễm thất bại.

Bác sĩ Võ Thị Kim Loan

(Giám đốc Trung tâm phòng chống AIDS)

 

 

Tin xem nhiều