Tết là dịp được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm việc căng thẳng, cho nên các bậc cha mẹ thường cho con em mình thoải mái vui chơi, ăn uống. Khát đã có quán nước ven đường, đói thì đã có cơm bụi - Chất lượng thực phẩm và chế độ vệ sinh thì “miễn bàn”.
Tết là dịp được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm việc căng thẳng, cho nên các bậc cha mẹ thường cho con em mình thoải mái vui chơi, ăn uống. Khát đã có quán nước ven đường, đói thì đã có cơm bụi - Chất lượng thực phẩm và chế độ vệ sinh thì “miễn bàn”. Kết quả là con trẻ có thể mắc các bệnh lý tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nặng nề hơn là có thể bị ngộ độc thức ăn và nhiễm trùng đường ruột, nhất là ở trẻ nhỏ.
* Tại sao trong dịp Tết trẻ dễ bị tiêu chảy ?
Ngày Tết, chế độ sinh hoạt, ăn uống của trẻ thường bị đảo lộn, trẻ được ăn các món ăn nhiều chất đạm, như: giò, chả, nem hoặc chỉ ăn toàn bột đường như mứt, kẹo. Ngoài ra, trong những ngày Tết, việc ăn những thực phẩm tích trữ lâu ngày, ăn các loại đồ ăn sẵn, thực phẩm đóng hộp, ăn cùng một lúc những món ăn kỵ nhau… cũng khiến bụng dạ còn non nớt của trẻ không thích nghi gây rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy.
Trẻ em là đối tượng rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy. |
Theo kết quả thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, chỉ trong 10 ngày Tết Tân Mão từ 28 tháng chạp đến mùng 8 Tết (01/02/2011 – 10/02/2011), bệnh viện đã tiếp nhận 473 trường hợp bệnh lý liên quan đường tiêu hóa đến khám bệnh, trong đó có 85 trường hợp phải nhập viện điều trị do tiêu chảy mất nước nặng, rối loạn tiêu chảy nặng và nhiễm trùng đường ruột nặng.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nơi - Phó giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, rối loạn tiêu hóa là một dạng nhẹ của tiêu chảy với triệu chứng nôn ói và tiêu phân lỏng, không kèm theo sốt. Trẻ có chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi, thức ăn có thành phần không cân đối, thức ăn “lạ” làm cho trẻ không thể hấp thu được thức ăn và gây rối loạn tiêu hóa.
Ngộ độc thức ăn là dạng bệnh nặng, với triệu chứng sốt cao, nôn ói nhiều và tiêu lỏng, đôi khi kèm theo co giật. Trẻ nôn ói dữ dội, có khi nôn ra mật xanh làm trẻ mệt lả phải vào viện cấp cứu. Nguyên nhân do thức ăn, nước uống bị nhiễm vi khuẩn có sinh độc tố.
Nhiễm trùng đường ruột do ăn thực phẩm và uống nước bị nhiễm vi khuẩn, do đó trẻ có tình trạng sốt cao, nôn ói nhiều, phân trẻ có lẫn đàm máu, đôi khi trẻ co giật.
Nếu trẻ nôn ói nhiều, tiêu chảy nhiều, sốt cao có thể dẫn đến tình trạng mất nước nặng, trẻ có thể tử vong nếu không bù nước kịp thời.
* Cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho trẻ trong ngày Tết
Tiến sĩ Nơi khuyến cáo, biết được nguyên nhân gây tiêu chảy, rối loạn tiên hóa, ngộ độc thức ăn và nhiễm trùng đường ruột, các bậc phụ huynh cần giáo dục cho trẻ những thói quen tốt trong ăn uống như: Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; sử dụng nhà vệ sinh và giữ gìn sạch sẽ sau khi đi vệ sinh; ăn chín, uống sôi; không ăn thức ăn lạ không có trong thực đơn thường sử dụng; không ăn thức ăn bị nhiễm bẩn, thức ăn không rõ nguồn gốc, thức ăn có mùi vị bất thường. Ngoài ra, những ngày Tết hầu hết các hiệu thuốc đều đóng cửa, vì vậy các bậc phụ huynh nên chuẩn bị sẵn trong tủ thuốc gia đình mình một vài gói Oresol hoặc viên Hydrite dùng để bù nước trong trường hợp nôn, tiêu chảy.
Vẫn biết rằng “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, cho tụi nhỏ “xả láng sáng về sớm” trong những ngày Tết nhưng các bậc phụ huynh cũng cần phải chú ý chăm lo chế độ dinh dưỡng cho con em mình, nhằm tránh cho trẻ khỏi bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn và nhiễm trùng đường ruột, để cả gia đình cùng hưởng một mùa xuân trọn vẹn.
Hoài An (ghi)