Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh sau Tết

09:01, 31/01/2012

Ngày Tết, tâm lý người dân thường mua nhiều loại thực phẩm và mua với lượng lớn. Sau Tết,  số lượng thực phẩm chắc chắn vẫn còn nhiều. Vậy, bảo quản thế nào để thực phẩm vẫn giữ được độ tươi, tránh thiu thối, hư hỏng?

Ngày Tết, tâm lý người dân thường mua nhiều loại thực phẩm và mua với lượng lớn. Sau Tết,  số lượng thực phẩm chắc chắn vẫn còn nhiều. Vậy, bảo quản thế nào để thực phẩm vẫn giữ được độ tươi, tránh thiu thối, hư hỏng?

* Đối với thực phẩm để đông lạnh

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Bình, Chi cục trưởng Chi cục An toàn - vệ sinh thực phẩm tỉnh, ngày Tết trong tủ lạnh thường chứa cả thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín. Vì thế việc phân loại thực phẩm là rất cần thiết.

Lựa chọn thực phẩm trong siêu thị.
Lựa chọn thực phẩm trong siêu thị.

Đối với những thực phẩm để đông lạnh như các loại thịt, nên chia thực phẩm này thành những phần nhỏ vừa đủ ăn một lần, một bữa. Không nên để đóng đông nguyên phần thịt lớn để tránh làm rã đông cả tảng lớn mới có thể lấy ra một phần nhỏ.

Đối với thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông thì phải dùng hết, không nên rã đông rồi lại cho vào đông lại. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm. Ưu tiên dùng trước thực phẩm đã mua trước bằng cách xếp những thực phẩm mới vào bên trong, những thực phẩm mua xếp bên ngoài để dùng trước.

* Đối với thực phẩm tổng hợp

Mỗi loại thực phẩm - dù để trong tủ lạnh nhưng vẫn cần được bảo quản trong hộp riêng đậy kín để bảo đảm chất lượng thực phẩm, tránh nhiễm mùi của thực phẩm khác hoặc từ thực phẩm khác đối với thực phẩm đó. Một số thực phẩm như tôm, cá, mực khô... nên bọc kín bằng giấy bạc.

Ở những ngăn chứa thực phẩm tổng hợp, cũng nên phân loại: Ngăn trên để các loại thức ăn nhẹ như phô mai, trứng, sữa, bánh ngọt; ngăn kế tiếp để các loại thức ăn đã chế biến như thịt kho, giò chả…Tất cả thực phẩm để trong tủ lạnh cần được cho vào các hộp nhựa đậy kín hoặc bao kín bằng màng bao thực phẩm để tránh nhiễm chéo vi khuẩn từ các thức ăn khác.

* Thực phẩm rau củ và trái cây

Rau tươi phải được ngắt bỏ lá úa, phần dập nát, hư hỏng, cắt gốc và cho vào bao nhựa xốp, cột chặt miệng. Trái cây cũng thế, nên được gói vào giấy báo trước khi cho vào bao xốp để giữ tươi lâu, hạn chế chín rục hàng loạt.

* Vệ sinh tủ lạnh

Đối với thức ăn thừa, nên được nấu lại, để nguội  mới cho vào tủ lạnh. Ngoài ra, để thực phẩm “sạch” hơn trong tủ lạnh, môi trường trong tủ lạnh cần phải bảo đảm sạch sẽ bằng việc làm vệ sinh tủ thường xuyên. Sau khi lau sạch, để khô, có thể dùng giấm, bã trà để khử mùi rồi mới xếp thực phẩm vào. Chỉ mở tủ lạnh khi cần thiết và khi mở cần đóng nhanh để tránh hao tổn điện và tránh các vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào thực phẩm chứa bên trong.

Uyên Uyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều