Chủ trương tiết kiệm điện (TKĐ) ở nước ta hiện nay là rất cần thiết. Trong khi đó, nhận thức của người dân nói chung và ở khu vực sản xuất - kinh doanh nói riêng còn hạn chế. Một trong những lợi ích khi thực hiện TKĐ là giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, giảm khí thải C02. Ngoài ra, nguồn cung cấp điện trên cả nước hàng năm đều gặp khó khăn, cả trong sản xuất và sinh hoạt. Do đó, vấn đề TKĐ phải được xem là quốc sách và là trách nhiệm của cả cộng đồng…
Chủ trương tiết kiệm điện (TKĐ) ở nước ta hiện nay là rất cần thiết. Trong khi đó, nhận thức của người dân nói chung và ở khu vực sản xuất - kinh doanh nói riêng còn hạn chế. Một trong những lợi ích khi thực hiện TKĐ là giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, giảm khí thải C02. Ngoài ra, nguồn cung cấp điện trên cả nước hàng năm đều gặp khó khăn, cả trong sản xuất và sinh hoạt. Do đó, vấn đề TKĐ phải được xem là quốc sách và là trách nhiệm của cả cộng đồng…
Đối với khu vực sản xuất - kinh doanh, một khi kế hoạch TKĐ được áp dụng trong quá trình làm ra sản phẩm thì điều này cũng đồng nghĩa với việc giúp doanh nghiệp (DN) giảm thiểu chi phí, doanh thu cao hơn. Ngược lại, nếu mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ cần lãng phí một kWh điện/ngày, sẽ làm trầm trọng hơn việc thiếu điện lâu nay vốn không đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Thực tế, đầu tư thiết bị TKĐ để tăng doanh thu có thể không dễ dàng đối với một số DN và cơ sở sản xuất, song việc đề ra những giải pháp TKĐ giúp giảm chi phí thì không quá khó, đồng thời là việc làm đầy ý nghĩa.
Công ty ChangShin (KCN Thạnh Phú) đã tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên trong khu vực sản xuất nên không cần sử dụng đèn chiếu sáng. Ảnh: Đ.D |
Theo các chuyên gia, bình quân tiết kiệm 8% điện năng tiêu thụ trong sản xuất - kinh doanh mỗi ngày, thì một năm cơ sở không phải trả tiền điện một tháng. Còn theo Bộ Công thương, tại Việt Nam, những công ty áp dụng hệ thống quản lý năng lượng, mức tiết kiệm có thể đạt được từ 10-20%. Điều này cho thấy, nếu DN thực hiện TKĐ thì tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng trên cả nước là rất lớn. Cơ sở tính toán của Bộ Khoa học và công nghệ còn cho thấy, trong sản xuất công nghiệp ở nước ta thì tỷ suất năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm cao hơn nhiều so với những nước trong khu vực. Để làm ra một giá trị sản phẩm như nhau, DN tại Việt Nam phải dùng năng lượng nhiều hơn DN của Thái Lan hay Malaysia gấp 1,5-1,7 lần. Các ngành công nghiệp nặng (xi măng, sắt thép, hóa chất, sành sứ...), công nghiệp nhẹ (sản xuất hàng tiêu dùng), công nghiệp thực phẩm (đông lạnh, chế biến)... nếu áp dụng đúng mức sẽ đạt được 20% năng lượng tiêu thụ; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể lên tới trên 30%. Khu vực sinh hoạt và dịch vụ có tiềm năng tiết kiệm không nhỏ so với tình hình lãng phí điện năng đang rất phổ biến. Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, việc sử dụng lãng phí điện thời gian qua do nhiều nguyên nhân, như: công nghệ lạc hậu, thiết bị sản xuất cũ kỹ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt quá nhiều trong khâu chuyển tải. Hệ thống thiết bị, máy móc của nhiều DN hiện nay tụt hậu so với thế giới (từ 15-20 năm) nên gây tổn thất rất lớn về năng lượng. Mặt khác, công tác quản lý việc sử dụng năng lượng trong phần lớn tại các cơ sở sản xuất, nhất là DN trong nước chưa được chú ý đúng mức.
Trên địa bàn tỉnh, theo đánh giá của Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai, gần đây đã có khá nhiều DN ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Điều này đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc TKĐ. Ngoài ra, nhiều DN còn tận dụng tối đa nguồn sáng và gió tự nhiên nên đã giảm đáng kể chi phí tiêu thụ điện năng mỗi tháng. Thế nhưng, bên cạnh số DN áp dụng TKĐ hiệu quả thì còn không ít cơ sở sản xuất - kinh doanh vẫn còn để xảy ra tình trạng lãng phí điện năng; nhiều DN chưa chú ý nhiều đến trách nhiệm TKĐ trong các khâu sản xuất. Ngành điện khẳng định, nếu mục tiêu TKĐ được toàn xã hội hưởng ứng thực hiện thì nhà nước sẽ dư một khoản tiền không nhỏ để đầu tư vào các công trình phúc lợi công cộng khác. Song có thể nói, ngoài một số DN chưa quan tâm đến công tác TKĐ thì sự lãng phí điện năng hiện nay xảy ra ở tất cả các lĩnh vực: gia đình, cơ quan, trường học, nhà máy, bệnh viện, khách sạn... Chính vì vậy, ý thức về vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường trong nhiều năm gần đây đã thúc đẩy cộng đồng phải hành động có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng năng lượng, vì đây là nhu cầu cấp thiết đối với cuộc sống hiện nay.
Đỗ Duy