Báo Đồng Nai điện tử
En

Chứng tự kỷ ở trẻ em

09:12, 06/12/2011

Bé L.H.T, 3 tuổi, nhà ở TP.Biên Hòa được cha mẹ đưa đến Cơ sở đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ (thuộc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố) với triệu chứng chậm nói (mặc dù 3 tuổi mà chưa nói rõ, từ ngữ thì nghèo nàn, phát âm khó khăn…), thờ ơ và có những hành vi lạ lùng như chỉ chơi một mình, tự hủy hoại bản thân, đôi khi có hung tính.

Bé L.H.T, 3 tuổi, nhà ở TP.Biên Hòa được cha mẹ đưa đến Cơ sở đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ (thuộc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố) với triệu chứng chậm nói (mặc dù 3 tuổi mà chưa nói rõ, từ ngữ thì nghèo nàn, phát âm khó khăn…), thờ ơ và có những hành vi lạ lùng như chỉ chơi một mình, tự hủy hoại bản thân, đôi khi có hung tính.

Bé được các chuyên gia tại trung tâm chẩn đoán là mắc chứng tự kỷ. Hiện nay, thuật ngữ tự kỷ cũng như hội chứng tự kỷ đã trở thành phổ biến trong xã hội, tỷ lệ là 4- 10/10 ngàn trẻ em được sinh ra mắc chứng này. Tỷ lệ ở trẻ trai thường nhiều hơn trẻ gái 4- 5 lần.

 * Những dấu hiệu của trẻ tự kỷ

Chứng tự kỷ thường tiến triển trong 3 năm đầu, tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể phát hiện chính xác chứng tự kỷ ở trẻ sau 3 tuổi. Theo các chuyên gia thì việc đánh giá và can thiệp sớm giúp trẻ cải thiện và hòa nhập rất lớn. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ lại không biết dấu hiệu ban đầu để đưa trẻ đi đánh giá, làm mất đi giai đoạn vàng của can thiệp với tình trạng này.

Cho trẻ tự kỷ tham gia chương trình dã ngoại ở Bửu Long.        Ảnh: M.CÔNG
Cho trẻ tự kỷ tham gia chương trình dã ngoại ở Bửu Long. Ảnh: M.CÔNG

- Trẻ mắc chứng tự kỷ thường không màng đến người khác ngay khi mới được sinh ra. Lúc đầu, cả gia đình đều hài lòng vì trẻ rất ngoan và không khóc nhiều như trẻ khác. Nhưng càng về sau, sự hài lòng đó chuyển thành nỗi lo thực sự khi trẻ thờ ơ với mọi người xung quanh. Trẻ dường như không quan tâm tới hành động của người thân trong gia đình, thậm chí là những hành động quen thuộc như gọi tên trẻ, các biểu hiện âu yếm… Trẻ thường chơi một mình với những đồ chơi ưa thích, không tham gia vào các hoạt động khác của bạn bè, người thân.

- Chậm nói và khó khăn trong việc học nói. Một số trẻ không biết nói, một số khác nói được chút ít, số khác nữa biết nói rành nhưng không biết thay đổi giọng cho phù hợp với khung cảnh. Ngôn ngữ là một trong các đặc điểm nổi bật của chứng tự kỷ và biểu lộ qua nhiều hình thức, nặng nhất là trẻ không nói lúc nhỏ mà tới khi lớn khả năng cũng không được cải thiện.

- Trẻ tự kỷ thường hiểu lời nói theo nghĩa đen, không hiểu theo nghĩa bóng. Những lời nói ẩn dụ đối với trẻ tự kỷ thường không có ý nghĩa. Trẻ chỉ có thể hiểu những từ cụ thể, còn khả năng trừu tượng hóa rất thiếu ở trẻ tự kỷ.

- Yếu kém về mặt giao tiếp xã hội, không biết những quy tắc xã giao, những điều cấm kỵ. Trẻ tự kỷ thường làm theo ý riêng của mình, không cần đến sự đồng ý của người khác, hay tự nhiên la khóc giữa đường mà cha mẹ không hiểu nguyên nhân.

- Có thói quen cứng nhắc, đòi hỏi theo sát thông lệ hàng ngày trong đời sống. Nếu thông lệ thói quen bị thay đổi thì tỏ ra hết sức giận dữ tới mức hung bạo. Nếu chúng ta thay đổi thói quen ở trẻ, trẻ sẽ giận dữ và có những hung tính với người đó.

- Có tật si mê lạ lùng. Một trẻ tự kỷ chơi một trò chơi mà không biết chán, hay ngồi hàng giờ ngắm nghía một vật nào đó chúng thích, hay hát đi hát lại một bài hát mà không chán…

* Nguyên nhân và can thiệp trẻ có  chứng tự kỷ

Mỗi phụ huynh khi có con bị tự kỷ thường đặt ra câu hỏi: Tại sao bé lại mắc hội chứng này? Nhiều cặp vợ chồng chỉ trích nhau, đổ thừa cho nhau vì nguyên nhân gây chứng tự kỷ ở trẻ là vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, về cơ sở khoa học, hiện chưa xác định được nguyên nhân nào rõ ràng gây ra chứng tự kỷ. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ đừng nên cố gắng tìm hiểu nguyên nhân, mà hãy đưa con đến các nhà chuyên môn để định bệnh và có phương hướng chữa phù hợp.

Việc phát hiện và điều trị chứng tự kỷ là một công việc rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp của các nhà chuyên môn trong nhiều lĩnh vực. Hiện công tác điều trị chứng tự kỷ có thể sử dụng một số liệu pháp:

-  Liệu pháp hóa dược: Có thể sử dụng một số thuốc hướng thần trong việc điều trị một số rối loạn tâm thần kèm theo tự kỷ như tăng động giảm chú ý, động kinh...

- Các liệu pháp tâm lý: Việc điều trị chứng tự kỷ phụ thuộc vào các liệu pháp tâm lý (như: âm nhạc, liệu pháp tập tính, tâm vận động…) và công tác giáo dục đặc biệt...

- Liệu pháp y sinh: chế độ ăn kiêng, ô- xy cao áp... hay các liệu pháp tâm vận động như bơi, vận động thô.

Trong đó, hướng can thiệp bằng giáo dục đặc biệt là quan trọng nhất để trẻ có thể hòa nhập. Điều quan trọng với trẻ tự kỷ là cần đánh giá và can thiệp sớm trước 3 tuổi, đó sẽ là giai đoạn vàng giúp trẻ hòa nhập tốt nhất.

Vũ Thị Loan

(Chuyên viên tâm lý)

 

 

 

Tin xem nhiều