ISO 50001 là hệ thống quản lý năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đang được giới thiệu rộng rãi trong hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam…
ISO 50001 là hệ thống quản lý năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đang được giới thiệu rộng rãi trong hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam…
Chương trình ISO 50001 là mô hình quản lý, sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp một cách tiết kiệm và hiệu quả. Qua đó, chương trình còn hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp thực hiện nâng cấp, cải tiến dây chuyền công nghệ phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm (NLTK).
Tae Kwang Vina (KCN Biên Hòa 2) đã có sáng chế bọc thiết bị để giữ được hơi nóng, từ đó tiết kiệm đáng kể điện năng trong sản xuất. (Ảnh minh họa) |
Theo Bộ Công thương, trong giai đoạn từ nay đến 2015, chương trình ISO 50001 sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về sử dụng NLTK, bao gồm việc hoàn thành các Nghị định hướng dẫn chi tiết, nhằm thúc đẩy hoạt động NLTK trong sản xuất công nghiệp. Các chuyên gia về lĩnh vực năng lượng cho biết, những năm qua, mặc dù cơ quan chức năng đã đẩy mạnh chương trình hỗ trợ DN thực hiện tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Chẳng hạn như mô hình quản lý sử dụng NLTK và hiệu quả ở các DN; tiêu chuẩn về hệ thống quản lý năng lượng trong DN (ISO 50001), DN thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ... đều đã được giới thiệu rộng rãi trong các DN có nhu cầu, song việc ứng dụng lại gặp khó khăn. Trong đó, cơ bản vẫn là ý thức của người sử dụng năng lượng còn hạn chế, khiến mục tiêu tiết kiệm điện chưa đạt yêu cầu đề ra. Thực tế thời gian qua, một số DN đã mạnh dạn đầu tư thiết bị sử dụng NLTK cho cơ sở mình; hoặc sáng chế cách sử dụng thiết bị tiết kiệm điện năng và đã đạt hiệu quả nhất định, song số này không nhiều. Mặt khác, ở biện pháp “chế tài” còn cả nể nên việc tuân thủ Luật Sử dụng NLTK trong các cơ sở sản xuất công nghiệp đôi khi chỉ là hình thức. Để đạt được mục tiêu tiết kiệm điện năng đối với sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả trong các cơ sở công nghiệp; đồng thời hỗ trợ tài chính cho các dự án nâng cấp, cải tạo sử dụng NLTK và hiệu quả. Trước mắt, DN cần xây dựng các giải pháp sử dụng điện đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Ngoài ra, thời gian sản xuất phải được bố trí kế hoạch hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn trong giờ cao điểm. Về lâu dài, các DN nhất thiết xây dựng hệ thống quản lý và giám sát mức tiêu thụ điện năng trong sản xuất và kinh doanh của các cơ sở sản xuất công nghiệp; tiến tới bắt buộc áp dụng các định mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm đối với một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.
Được biết, gần đây Bộ Công thương đã ký văn kiện hợp tác triển khai Dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ. Theo đó, mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp - thông qua tiêu chuẩn quản lý năng lượng ISO 50001.
Cùng với nhu cầu tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành sản xuất công nghiệp thì nhu cầu về sử dụng năng lượng cũng ngày càng nâng cao. Vì vậy, nhằm góp phần hạn chế sử dụng lãng phí nguồn năng lượng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 73/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm: Vi phạm quy định về kiểm toán năng lượng; về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, trong cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm… Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm không thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định và hành vi sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ sẽ bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng...
Đỗ Duy