Trong chương trình phát trên VTV1 gần đây, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho biết: Hiện nay có 80% diện tích hồ tiêu của Việt Nam đã xuất hiện bệnh rễ do tuyến trùng và nấm gây hại. Nếu vấn đề này không có những biện pháp để phòng trừ kịp thời thì trong vài năm nữa Việt Nam sẽ không còn giữ được vị trí hàng đầu về lượng hồ tiêu xuất khẩu.
Trong chương trình phát trên VTV1 gần đây, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho biết: Hiện nay có 80% diện tích hồ tiêu của Việt Nam đã xuất hiện bệnh rễ do tuyến trùng và nấm gây hại. Nếu vấn đề này không có những biện pháp để phòng trừ kịp thời thì trong vài năm nữa Việt Nam sẽ không còn giữ được vị trí hàng đầu về lượng hồ tiêu xuất khẩu.
Nhiều thông tin cũng cho biết, các địa phương có diện tích hồ tiêu lớn như Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai, Phú Quốc trong những năm vừa qua đã có không ít diện tích bị nhiễm khá nghiêm trọng. Trong năm 2011, chỉ riêng tỉnh Đồng Nai cũng đã có tới 500 hécta hồ tiêu bị bệnh. Nhiều vườn tiêu bị hủy hoàn toàn mà nguyên nhân chính là do tác hại của sâu bệnh đã xâm nhập hủy hoại bộ rễ.
Trên thế giới thường thấy sự tác hại của sâu bệnh ở nhiều nước nên sản lượng hồ tiêu không ổn định. Niên vụ 2010-2011, sản lượng đã giảm tới 30%. Ở niên vụ này, hồ tiêu của Việt Nam do được mùa vì vậy lượng hồ tiêu xuất khẩu vẫn ổn định và giá bán khá cao. Trên thị trường, hồ tiêu hiện nay giá bán tháng 9 là 140 triệu đồng/tấn, mặc dù vậy trong kho hàng dự trữ của nước ta vẫn không có hàng để bán.
Câu hỏi được đặt ra: Biện pháp nào cần áp dụng để bảo vệ các diện tích hồ tiêu mới phát triển và những diện tích trồng những năm trước đây để tránh khỏi sâu bệnh hủy hoại?
Người trồng tiêu cần có nhận thức đúng đắn và làm theo những khuyến cáo:
1. Bệnh sinh ra từ đất, trong đất có sẵn một số loại sâu bệnh hại tiêu sinh sống. Các loại sâu bệnh nguy hại nhất là: tuyến trùng nốt sần (Meloidogyne); các nấm gây thối rễ; rệp sáp. Hồ tiêu là cây ký chủ thì sâu bệnh từng bước xâm nhập vào bộ rễ. Vì bộ rễ là nơi trú ngụ, sinh sống để hút các chất dinh dưỡng nuôi cây nên bị sâu bệnh tấn công với số lượng lớn đã làm hại hồ tiêu. Hồ tiêu bị sâu hại bộ rễ làm héo vàng lá rồi khô chết.
2. Các biện pháp canh tác liên hoàn, đồng bộ chủ động ngay từ đầu để hạn chế hoặc tránh sự hủy diệt của các vườn tiêu mà nguyên nhân chủ yếu là do sâu bệnh gây ra. Đó là nguyên tắc bắt buộc người trồng hồ tiêu phải coi trọng ngay từ khi trồng mới, không để “nước đến chân mới nhảy”. Vì khi thấy hồ tiêu có hiện tượng vàng héo liền sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ thì không còn kịp nữa. Việc làm này vừa tốn tiền vừa gây ô nhiễm môi trường mà tiêu vẫn chết. Vì vậy, biện pháp canh tác nông học và hóa học cần được thực hiện đồng bộ, liên hoàn trong cả quá trình kinh doanh, chăm sóc, cụ thể: chọn vùng đất trồng tiêu phải thoát nước và không được ngập úng vào mùa mưa để tránh bệnh chết nhanh, chết đột ngột. Tầng đất canh tác có độ dày trên 60cm, phía dưới không có đá bàn. Chọn những giống tiêu có khả năng kháng được bệnh rễ, như: lada, belangtoeng, Vĩnh Linh… Khi trồng mới phải kiểm tra xem trên cây con có rệp sáp hay không. Nếu có thì phải phun phòng trừ bằng thuốc Supracid với nồng độ 0,2%. Nếu rệp sáp tấn công làm thành những ổ sưng u lớn thì không còn khả năng cứu chữa. Trên mặt đất gần gốc tiêu cần rải thuốc Basudin để diệt kiến nhằm ngăn chặn sự lây lan của rệp. Khi trồng mới cần phải đủ phân hữu cơ có chất lượng tốt. Trộn phân lân với phân chuồng để giúp rễ non phát triển tốt. Trộn thuốc trừ tuyến trùng vào phân chuồng để diệt tuyến trùng. Cần trồng cây bóng mát trong vườn tiêu để điều hòa khí hậu. Ngoài ra, trong vườn tiêu cần trồng những cây để che phủ bảo vệ và cải tạo đất như cây đậu, cúc vạn thọ…
Hàng năm phải được bón phân chuồng ủ hoai. Phân hữu cơ ngoài cải tạo đất còn là nơi để các vi sinh có lợi sinh sống. Đây là biện pháp đấu tranh sinh học cần được coi trọng trong vườn tiêu. Cần lựa chọn những loại phân chuyên dùng để bón. Không lạm dụng bón phân hóa học với liều lượng cao liên tục trong nhiều năm sẽ làm đất xấu đi và vi sinh vật có hại phát triển. Tránh làm cỏ xới vùng gốc tiêu trong mùa mưa vì làm đứt rễ tiêu, vết đứt vào mùa này lâu lành là điều kiện cho cho nấm bệnh xâm nhập hủy hoại. Việc bón phân hóa học trong mùa mưa chỉ rải đều trên mặt gốc, tránh đào rãnh làm đứt rễ tiêu. Phân hữu cơ cần bón vào đầu mùa khô khi đất không quá ẩm ướt để tránh tác hại của nấm xâm nhập.
Thuốc hóa học không phải là cứu cánh để cứu vườn tiêu khi bị sâu bệnh làm cho tiêu bị héo vàng, tháo đốt và bong dây ra khỏi trụ. Một số loại thuốc hóa học được sử dụng để phòng trừ bệnh nhưng đó là biện pháp thụ động ít mang lại hiệu quả và rất tốn kém.
Để bảo vệ vườn tiêu khỏe mạnh và có thời gian kinh doanh lâu bền thì những biện pháp canh tác liên hoàn tổng hợp cần phải được áp dụng.
PGS. TS Phạm Quốc Sủng