Báo Đồng Nai điện tử
En

Sữa mẹ - nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ

11:08, 09/08/2011

Sữa mẹ là loại thức ăn hoàn chỉnh nhất đối với trẻ sơ sinh. Sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết giúp bé tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa nhiều bệnh tật.

Sữa mẹ là loại thức ăn hoàn chỉnh nhất đối với trẻ sơ sinh. Sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết giúp bé tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa nhiều bệnh tật.

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Sáu  (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) hướng dẫn một bà mẹ cách cho con bú.
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Sáu (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) hướng dẫn một bà mẹ cách cho con bú.

Nếu được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng sau sinh, trẻ sẽ lớn nhanh hơn, thông minh hơn so với những trẻ được nuôi bằng sữa bột.

* Sữa mẹ an toàn

Chị Mai Thị Vân, ở phường Trung  Dũng (TP. Biên Hòa) đang nuôi con thứ hai được 7 tháng tuổi cho biết: “Sinh bé trước, nghe bạn bè nói cho con bú ngực sẽ xấu nên mình cho con ăn sữa ngoài. Nhưng nuôi con bằng sữa ngoài mới khổ, nên sinh bé thứ hai, mình nuôi cháu bằng sữa mẹ. Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ an toàn, tiết kiệm, mà còn khỏe cho cả mẹ và con. Đêm bé đói chỉ cần kéo con vào cho bú, còn nếu ăn sữa ngoài, phải dậy lỉnh kỉnh pha sữa, đợi cho sữa nguội, cho bé ăn, sáng ra phải rửa bình, mà phải dậy đến 2-3 bận, loay hoay với chuyện ăn uống của con hết cả đêm, sáng dậy rất mệt”. Đó là chưa kể bé ăn sữa ngoài thường bị táo bón, mỗi khi đổi sữa lại bị tiêu chảy…

Trước những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, hiện khoa sản và khoa nhi của các bệnh viện đa khoa, các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh đang triển khai chương trình “10 bước nuôi con bằng sữa mẹ thành công”. Chị Nguyễn Thị Sáu, cử nhân nữ hộ sinh ở khoa sản 2 của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, người phụ trách các tổ tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ cho biết: “Chúng tôi làm nhiệm vụ truyền thông cho các bà mẹ mang thai về lợi ích và cách nuôi con bằng sữa mẹ; giúp các bà mẹ cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh,  hướng dẫn cách cho con bú và duy trì nguồn sữa khi phải xa con, khuyến cáo các bà mẹ không nên cho con bú bình và ngậm núm vú giả, cách dinh dưỡng cho mẹ để tạo nguồn sữa dồi dào và chất lượng cho con”. Qua truyền thông việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các bệnh viện, trung tâm, số bà mẹ cho con bú ở Đồng Nai đã tăng lên nhiều so với những năm trước.

Bác sĩ Phan Văn Thám, Trưởng khoa sản 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: “Nguồn sữa mẹ là vô cùng an toàn và chất lượng, bởi nó được “sản xuất” từ chính cơ thể người mẹ nên luôn tươi mới, lúc nào cũng có lượng dự trữ sẵn sàng, lại luôn cung cấp cho trẻ đủ chất dinh dưỡng. Cho bé bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nếu có thể cho bé bú mẹ đến 2 tuổi là rất tốt, kết hợp với cho trẻ ăn thêm các bữa ăn bổ sung chế biến từ các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu; 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn còn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ và khả năng cung cấp này còn khoảng 10% vào năm thứ ba”.

Song, theo bác sĩ Thám, hiện nay vẫn có những bà mẹ trẻ do nhu cầu công việc, tâm lý sợ ngực xấu hoặc lý do bệnh tật mà nuôi con bằng sữa công thức - dù được quảng cáo là tiêu chuẩn ngang bằng với sữa mẹ thì vẫn không có loại nào hoàn hảo như sữa mẹ. Những trẻ ăn sữa ngoài dễ có nguy cơ bị bệnh tật, béo phì hoặc suy dinh dưỡng. Mọi loại sữa hiện có trên thị trường, tuy có đủ các chất dinh dưỡng để nuôi sống trẻ, nhưng thành phần lại không có các yếu tố miễn dịch như sữa mẹ. Hơn nữa, dùng các loại sữa thay thế này nếu không vệ sinh kỹ lưỡng sẽ dễ gây bệnh đường ruột cho trẻ. Chưa kể, cho trẻ bú mẹ, còn giúp tử cung của người mẹ co lại tốt hơn sau sinh, giảm nguy cơ ung thư vú sau này…

* Vẫn còn rào cản

Trong khi ngành y tế khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, thì chính sách nghỉ thai sản hiện nay chỉ được 4 tháng. Vậy làm thế nào để bảo đảm được  mục tiêu lớn của quốc gia là cho trẻ bú sữa mẹ để giảm số trẻ bị suy dinh dưỡng, giảm số trẻ tử vong do bệnh tật vì thiếu sữa mẹ, những bệnh tật phát sinh vì trẻ bị buộc phải ăn dặm sớm (trước 6 tháng) khi mẹ phải đi làm sau 4 tháng nghỉ sinh?

Bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: “Nuôi con bằng sữa mẹ lợi ích cho trẻ nhỏ, bà mẹ, gia đình và quốc gia. Ngoài ra còn có thêm 3 lợi ích khác: giảm tỷ lệ trẻ mắc bệnh béo phì và suy dinh dưỡng; giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường khi trưởng thành và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khi về già. Nếu sau sinh bà mẹ được nghỉ ngơi hoàn toàn ít nhất là sáu tháng, người mẹ sẽ có thời gian tiếp cận với các kiến thức về nuôi dạy trẻ, có thời gian chuẩn bị tốt về dinh dưỡng cho bản thân; hạn chế được tình trạng có thai ngoài ý muốn... Hơn nữa, hiện nay mỗi bà mẹ được sinh nhiều nhất là 2 con, suốt cuộc đời người mẹ cũng chỉ được nghỉ 8 tháng sau sinh để chăm sóc 2 con là quá ít so với sự cống hiến sức lao động và chức năng làm mẹ”. Theo bác sĩ Hạnh, một thực tế đau lòng là nhiều bà mẹ ở cơ quan, nhà máy phải vắt sữa bỏ đi, trong khi con ở nhà lại khát sữa, vì không phải bà mẹ nào cũng có điều kiện về nhà buổi trưa để cho con bú.

Phương Liễu


 

 

Tin xem nhiều