Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, theo một điều tra gần đây của Viện Tim mạch quốc gia tại 8 tỉnh, thành thì tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 27,4%, tức là cứ 4 người thì có 1 người tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, theo một điều tra gần đây của Viện Tim mạch quốc gia tại 8 tỉnh, thành thì tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 27,4%, tức là cứ 4 người thì có 1 người tăng huyết áp.
* Tăng huyết áp: “Kẻ giết người số một”
Tăng huyết áp là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Trong đó, các biến chứng thường gặp nhất của bệnh này là: Cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, nhũn não. Các biến chứng về thận: Đái ra protein, phù, suy thận. Các biến chứng về mắt: Mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị. Các biến chứng về mạch máu: Phình hoặc phình tách thành động mạch, các bệnh động mạch ngoại vi.
Đo huyết áp cho người cao tuổi trong một buổi khám bệnh miễn phí do Đoàn Thanh niên Sở Y tế Đồng Nai tổ chức tại huyện Xuân Lộc tháng 7-2011. Ảnh: CÔNG NGHĨA
Những biến chứng đó có ảnh hưởng lớn đến người bệnh, gây tàn phế và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất của gia đình bệnh nhân và xã hội. Hàng năm chúng ta phải chi một khoản kinh phí rất lớn, tới cả ngàn tỷ đồng để trực tiếp điều trị bệnh và phục vụ những người bị liệt, tàn phế, mất sức lao động do tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim…
Bệnh tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi chỉ có một số ít các bệnh nhân tăng huyết áp có một vài triệu chứng cơ năng gợi ý cho họ đi khám bệnh, như: đau đầu, chóng mặt, cảm giác “ruồi bay”, mặt đỏ bừng, ù tai…, còn đa số bệnh nhân lại thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Nhiều bệnh nhân thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì ngay sau đó cũng là kết thúc cuộc đời của họ do đã bị xuất huyết não nặng nề.
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng, như: Tuổi cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp… Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết được cách phòng tránh.
* Phòng tránh bệnh tăng huyết áp
Thực hiện lối sống lành mạnh, phù hợp là một biện pháp chính để phòng ngừa tăng huyết áp cũng như góp phần điều trị bệnh tăng huyết áp. Sau đây là những cách để phòng tránh bệnh tăng huyết áp:
- Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì: Tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh. Nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ cao tuổi, sau mãn kinh. Những người béo phì, bụng to (với vòng thắt lưng >85cm ở nữ và >98cm ở nam) cũng có nhiều khả năng bị tăng huyết áp. Vì vậy cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
Điều chỉnh lối sống để phòng và điều trị bệnh tăng huyết áp là việc hoàn toàn có thể thực hiện ở gia đình, là phương pháp không tốn kém, qua đó giảm được bệnh tật, tử vong và các nguy cơ cho người mới bị tăng huyết áp, là cơ hội tốt để ngăn chặn bệnh tăng huyết áp và các biến chứng của nó. Kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch là hết sức cần thiết và quan trọng để phòng bệnh tăng huyết áp và các tai biến do bệnh này gây nên, giảm đáng kể tử vong do tai biến của bệnh tăng huyết áp.
- Tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít chất béo, giảm ăn các loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần: Nên ăn 3 bữa một ngày. Ăn nhiều rau xanh và trái cây vì chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp. Không dùng nhiều mỡ và chất ngọt, ăn các thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan như: đậu xanh quả, các loại đậu hạt, măng… Hàng ngày nên ăn khoảng 55-85g các chế phẩm từ sữa như phomát, sữa chua… Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như: hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân.
Ăn nhiều cá, hải sản, giảm các loại thịt đỏ như: thịt heo, thịt bò và các loại sữa và trứng.
- Chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi: Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp. Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên, vì vậy chỉ nên bổ sung thêm một thìa cà phê muối ăn/ngày là đủ.
Ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, nên hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, không dùng nhiều loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp vì các loại thức ăn này có lượng muối khá cao. Hạn chế dùng các loại nước ngọt có ga, các loại bia vì có hàm lượng natri còn cao hơn so với nhiều loại thực phẩm công nghiệp khác. Bột nở, bột nổi, các loại bột làm sủi bọt cũng thuộc nhóm muối gốc natri vì vậy không nên dùng nhiều.
- Tăng cường hoạt động thể lực: Tăng hoạt động thể lực làm giảm bớt béo phì, cần tập thể dục đều đặn ở mức vừa phải như đi bộ nhanh hoặc bơi lội trong vòng 30-45 phút, 3-4 lần/tuần.
- Bỏ những thói quen xấu: Ngưng hút thuốc là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Bớt uống rượu: Nếu dùng thường xuyên một lượng rượu nhỏ sẽ có tác dụng làm giảm các nguyên nhân gây tử vong nói chung và do tim mạch nói riêng, nhưng nếu uống nhiều dễ làm tăng huyết áp. Không thức khuya, làm việc quá căng thẳng, ngủ ít nhất 7giờ/ngày và ngủ đúng giờ.
Bs.Lê Phương Lan
(Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai)