Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất và phù hợp nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho sự hấp thu và phát triển cơ thể của trẻ.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất và phù hợp nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho sự hấp thu và phát triển cơ thể của trẻ.
* Sữa mẹ là tiêu chuẩn vàng cho sự phát triển toàn diện
Bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Đồng Nai cho biết: sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, ngay cả khi mẹ bị bệnh (trừ trường hợp người mẹ mắc các bệnh lý đặc biệt, như: nhiễm viêm gan siêu vi B, nhiễm HIV/AIDS, nhiễm lao, đang mắc bệnh ung thư), có kinh nguyệt hay gầy yếu. Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng mà trẻ cần trong khoảng thời gian từ sau sinh đến 6 tháng tuổi. Sữa mẹ trong vài ngày đầu sau sinh gọi là sữa non, có màu vàng nhạt và đặc sánh. Sữa non nhiều đạm, vitamin A và các yếu tố bảo vệ cơ thể, giúp trẻ phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, khô mắt và dị ứng. Sữa non có tác dụng đào thải phân su, giúp trẻ đỡ vàng da.
Được bú sữa mẹ sẽ góp phần giúp trẻ toàn diện. Trong ảnh: Trẻ em tham gia tắm biển trong dịp hè.
Sau giai đoạn sữa non, sữa mẹ chuyển tiếp sang giai đoạn sữa trưởng thành. Sữa này gồm có sữa đầu bữa và sữa cuối bữa. Sữa đầu bữa là sữa ở đầu bữa bú, có màu hơi xanh, trong và lỏng. Trẻ bú sữa đầu sẽ nhận được nhiều nước và đủ chất dinh dưỡng. Sữa cuối bữa là sữa ở cuối bữa bú, có màu trắng đục vì chứa nhiều chất béo và có nhiều năng lượng giúp trẻ tăng cân tốt.
Các nhà khoa học đã phân tích thành phần các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ và nhận thấy rằng, chất đạm và chất béo trong sữa mẹ phù hợp tiêu hóa của trẻ nên trẻ dễ tiêu hóa và hấp thụ. Đường lactose trong sữa mẹ nhiều hơn các loại sữa khác cung cấp thêm nguồn năng lượng để trẻ phát triển tốt hơn.
Chất sắt trong sữa mẹ dễ hấp thu nên trẻ bú mẹ sẽ không bị thiếu máu do thiếu sắt. Sữa mẹ chứa đủ lượng canxi và phốt pho giúp trẻ phát triển tốt, ít bị còi xương.
* Nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
Theo bác sĩ Hạnh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có nghĩa là chỉ cho con bú bằng sữa mẹ mà không ăn thêm bất cứ một loại thức ăn, nước uống nào khác ngay cả nước đun sôi để nguội, vì sữa mẹ trong 6 tháng đầu đáp ứng đủ nhu cầu nước và các chất dinh dưỡng để trẻ phát triển tốt về thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể nên có thể bảo vệ trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp. Trẻ bú sữa mẹ cũng có tác dụng dự phòng các bệnh mãn tính khi trưởng thành như béo phì, đái tháo đường, tim mạch… Trẻ bú sữa mẹ có thể giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ với tiền sử gia đình bị dị ứng.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp góp phần kế hoạch hóa gia đình, giúp cho mẹ chậm có thai và giảm được nguy cơ ung thư vú và buồng trứng. Đối với phụ nữ ngay sau khi sinh, động tác bú của trẻ có tác dụng làm co hồi tử cung và cầm máu cho người mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ hình thành được mối quan hệ yêu thương gắn bó tình cảm mẹ con. Người mẹ có thời gian gần gũi, chăm sóc con giúp cho trẻ phát triển hài hòa về tinh thần tình cảm của trẻ.
Nuôi con bằng sữa mẹ thuận tiện, ít tốn kém và cũng là sự đầu tư tốt nhất cho gia đình và tiết kiệm ngân sách quốc gia.
Chính vì những lý do trên, người mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bé bú đến ít nhất 24 tháng tuổi. Điều quan trọng là các bà mẹ khi nuôi con cần có đủ sữa và chất lượng sữa tốt.
* Để bà mẹ có đủ sữa nuôi con và chất lượng sữa tốt
Theo bác sĩ Hạnh, người mẹ nên cho trẻ bú sớm trong vòng nửa giờ đầu sau khi sinh. Trẻ bú sớm sẽ giúp người mẹ nhanh tiết sữa, trẻ sẽ tận dụng được nguồn sữa non - là nguồn sữa vô cùng quý giá đối với trẻ mới chào đời.
Việc tăng tiết sữa của người mẹ phụ thuộc vào yếu tố ăn uống, nghỉ ngơi, tinh thần thoải mái. Mẹ nên ăn uống nhiều loại thức ăn cho đủ chất, ngoài 3 bữa chính nên ăn thêm 2 - 3 bữa phụ. Không nên ăn kiêng thái quá và uống đủ nước. Sữa mẹ sẽ được tiết ra nhiều và chất lượng sữa tốt nếu người mẹ được ăn uống đủ chất. Mẹ nên cho trẻ bú ít nhất 10 lần trong ngày và cho bú bất cứ khi nào trẻ muốn. Yếu tố quan trọng nhất để tăng tiết sữa là phải cho trẻ bú, bú nhiều sữa sẽ tiết nhiều.
Chất lượng sữa mẹ chỉ bị ảnh hưởng trong trường hợp bị thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng do người mẹ kiêng khem quá mức. Thực phẩm người mẹ hấp thu trong giai đoạn này không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tăng đáng kể sau khi sinh, mà còn dùng để sản sinh sữa cho con. Trẻ sơ sinh có thể nhận đến 1000 calo mỗi ngày từ sữa mẹ; nếu mẹ không nạp đủ năng lượng thì sữa vẫn được duy trì cho bé, nhưng cơ thể mẹ sẽ suy kiệt dần vì phải ưu tiên năng lượng cho việc sản xuất sữa. Cơ chế này cũng tương tự như khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của bào thai sẽ được đáp ứng trước nhu cầu của thai phụ.
Hoài An (ghi)