Gần đây, tận dụng khí biogas từ phân động vật để đun nấu không còn xa lạ đối với những chủ trang trại nuôi heo. Tuy nhiên ở TX.Long Khánh, thắp sáng không cần nguồn điện quốc gia đã trở nên khá phổ biến…
Gần đây, tận dụng khí biogas từ phân động vật để đun nấu không còn xa lạ đối với những chủ trang trại nuôi heo. Tuy nhiên ở TX.Long Khánh, thắp sáng không cần nguồn điện quốc gia đã trở nên khá phổ biến…
Trước tình hình khan hiếm điện sử dụng, nhất là vào mùa khô thường xuyên xảy ra cúp điện, kể cả theo lịch trình và đôi khi đột xuất, một số hộ chăn nuôi heo ở xã Hàng Gòn đã tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi để xây dựng hệ thống khí sinh học (biogas) nhằm sử dụng thắp sáng trong gia đình. Cách làm này vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần giải quyết khả năng thiếu điện trong mùa hè nắng nóng.
Anh Bình bên hệ thống biogas thắp sáng trong gia đình.
Anh Lê Bình, ngụ ở Ấp Hàng Gòn - xã Hàng Gòn, một chủ trang trại ở khu vực miền núi khó khăn chưa có điện lưới quốc gia phủ đến đã không ngần ngại đầu tư hàng chục triệu đồng để lắp đặt hệ thống máy phát điện sử dụng điện năng bằng khí biogas. Nông trang của anh Bình thuộc hạng trung bình, nhưng có thời điểm lên đến hàng ngàn con heo thịt. Thực tế, nông dân Bình không hề biết khái niệm “khí sinh học” là gì, càng không thể hình dung ra vì sao phân gia súc có thể “làm ra” điện được. Tuy nhiên, thời điểm năm 2007, vùng quy hoạch chăn nuôi lớn ở xã Hàng Gòn đã khiến cho nông dân Bình không khỏi trăn trở, suy nghĩ về phần chất thải từ những trang trại này. Nghĩ để rồi đặt vấn đề, anh Bình đi tìm hiểu, học hỏi về hiệu suất tái sử dụng nguồn phân mà động vật thải ra. Kết quả cho thấy, nếu biết cách sử dụng, phân động vật có thể trở thành điện năng được. Vốn có bản tính tò mò, hay sưu tầm, anh Bình đã tìm hiểu qua sách vở và những người đi trước về công dụng của loại hình khí biogas trong chăn nuôi, rồi từ đó dùng làm nhiên liệu chất đốt. Qua 5 năm mày mò, áp dụng nguyên lý tích tụ của khí biogas, cộng với công suất phù hợp của máy phát điện, gia đình anh Bình đã tạo được nguồn điện năng mới trong gia đình.
Theo anh Bình, để “bắt” hầm biogas có thể phát sáng, chỉ cần sử dụng loại máy phát điện 10 Kw. Nguyên tắc vận hành của máy phát điện bằng biogas cũng khá đơn giản. Ví dụ, khí biogas từ các hầm ủ phân được dẫn vào ống dây nhựa nối vào máy phát điện. Khi vận hành, chỉ cần mở van dẫn khí vào máy và khởi động thiết bị là đã có điện sử dụng. Từ khi ứng dụng nguồn điện bằng khí biogas, mỗi ngày gia đình anh Bình có thể kích hoạt chạy máy bơm nước liên tục từ 6 - 7 giờ. Ngoài ra còn có thể thắp sáng cho khoảng 90 bóng đèn tròn loại 220V và 16 bóng đèn Compac vừa để sưởi ấm cho heo con; thắp sáng trang trại và sử dụng một số vật dụng điện khác. Nói về hiệu quả của việc sử dụng khí biogas để thắp sáng, anh Lê Bình thổ lộ: “Mô hình điện khí biogas này cũng đơn giản, dễ lắp đặt, ai cũng có thể thực hiện được. Khí biogas thắp sáng không những giảm chi phí, mà hộ chăn nuôi còn chủ động được trong sản xuất. Ở trang trại chúng tôi lâu nay xài điện từ máy biogas xả láng nhưng chỉ phải trả 1/3 khoản tiền so với lúc sử dụng điện quốc gia”.
Ở xã Hàng Gòn, không chỉ có anh Bình biết làm ra điện từ chất thải trong chăn nuôi, mà gần đây đã trở thành phong trào khá rầm rộ ở nhiều nơi. Chỉ riêng khu vực anh Bình cư ngụ, có đến hàng chục hộ gia đình ứng dụng thành công nguồn nhiên liệu thắp sáng từ khí biogas. Điển hình là hộ chị Đặng Thị Tuyết Mai. Với 500 con heo thịt, trang trại của gia đình chị Mai đã tạo ra nguồn điện sản xuất và sinh hoạt hàng ngày mà không cần đến mạng lưới điện quốc gia. Chị Mai khẳng định, cũng chừng ấy con heo (500 con) nhưng trước đây chất thải hầu như thu lợi không đáng bao nhiêu, nhưng nay việc chăn nuôi cũng không có gì thay đổi, song đã giảm khá nhiều chi phí cho việc nấu nướng và thắp sáng.
Nhận định về tác dụng của việc sử dụng khí biogas để thắp sáng trên địa bàn TX.Long Khánh, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai cho rằng, nếu như mọi trang trại trên toàn tỉnh đều quan tâm đầu tư vào loại hình này thì lợi ích mang lại cho xã hội khá lớn. Bởi, thay vì nguồn chất thải trong chăn nuôi nếu đem áp dụng vào việc khác (làm phân bón), khả năng mang lại lợi ích không nhiều, nhưng một khi đã trở thành năng lượng thì hiệu suất sử dụng có thể giải quyết thỏa đáng nhu cầu của mỗi hộ gia đình. Đáng kể là tình hình khan hiếm điện năng như nhiều năm trở lại đây, cho thấy việc ứng dụng công nghệ của chất thải trong chăn nuôi vào sản xuất điện năng là cần thiết. Bên cạnh đó, sử dụng biogas thắp sáng còn giảm được ô nhiễm môi trường, đồng thời giúp người chăn nuôi giảm được chi phí giá thành sản phẩm.
Đỗ Duy - Minh Anh