Dự án cánh đồng lớn cây bắp đã hết thời gian triển khai vào cuối năm 2021 nhưng chủ dự án vẫn tiếp tục liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Không chỉ tại vùng dự án cánh đồng lớn mà còn mở rộng hợp tác với nhiều nông dân trong và ngoài H.Cẩm Mỹ để sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Dự án cánh đồng lớn cây bắp đã hết thời gian triển khai vào cuối năm 2021 nhưng chủ dự án vẫn tiếp tục liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Không chỉ tại vùng dự án cánh đồng lớn mà còn mở rộng hợp tác với nhiều nông dân trong và ngoài H.Cẩm Mỹ để sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Giám đốc HTX Đông Tây (bìa trái) Bùi Trung Vinh Phước giới thiệu mô hình cánh đồng lớn với lãnh đạo Tỉnh ủy. Ảnh: H.Lộc |
Đây là một trong số ít dự án cánh đồng lớn ngày càng “lớn” tại H.Cẩm Mỹ và của tỉnh.
* Diện tích tăng gấp 5 lần
Dự án cánh đồng lớn cây bắp do HTX Đông Tây làm chủ đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt năm 2017 với quy mô 303 hộ, diện tích 270ha, thời gian triển khai là 5 năm (2017-2021). Dự án đã kết thúc nhưng chủ thể không chỉ duy trì thu mua và tổ chức sản xuất theo mục tiêu kế hoạch ban đầu mà còn liên kết với nhiều nông dân trong và ngoài huyện mở rộng diện tích lên 1,5 ngàn ha, gấp 5 lần.
Giám đốc HTX Đông Tây Bùi Trung Vinh Phước cho biết, HTX được thành lập năm 2013 với ngành nghề thu mua nông sản. Tuy nhiên, thời điểm đó đầu ra chưa ổn định nên đơn vị đã quyết định chỉ tập trung vào một lĩnh vực là chế biến bắp cây làm thức ăn cho trâu, bò. HTX đã thỏa thuận mua cây bắp với nông dân trên địa bàn 2 xã Xuân Đông và Xuân Tây, đầu tư dây chuyền chế biến, đồng thời liên hệ các trang trại chăn nuôi gia súc tìm đầu ra. Kể từ khi được phê duyệt dự án cánh đồng lớn, sự hợp tác này ngày càng phát huy hiệu quả.
Thời điểm ngành chăn nuôi phát triển, trung bình mỗi ngày HTX chế biến hàng trăm tấn cây bắp tươi, mở rộng vùng nguyên liệu gần 3 ngàn ha. Vài năm trở lại đây, do dịch bệnh, chiến sự quốc tế đã tác động đến chi phí logistics, nguyên vật liệu đầu vào và tiêu dùng nên các trang trại chăn nuôi giảm quy mô. Hiện trung bình mỗi ngày HTX chế biến 50-60 tấn cây bắp tươi, sản phẩm ủ chua bán cho các trang trại bò vỗ béo trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ông Ngô Văn Nhài (ngụ xã Xuân Tây) chia sẻ, năm 2017, được địa phương và HTX Đông Tây vận động liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, ông chuyển từ trồng lúa truyền thống sang trồng 2 vụ bắp, 1 vụ lúa. Được tư vấn giống bắp, kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm nên hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt, lợi nhuận 70-80 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần trồng lúa.
Để ổn định vùng nguyên liệu cũng như xây dựng chuỗi liên kết bền vững, HTX Đông Tây đã hỗ trợ nông dân: chọn giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, hợp đồng trực tiếp với công ty phân bón uy tín để nông dân được hưởng giá tốt và bao tiêu sản phẩm đầu ra ngay tại ruộng.
* Dự án làm ăn hiệu quả
Theo ông Vinh Phước, hiện trên địa bàn H.Cẩm Mỹ đất nông nghiệp biến động nhiều, cùng với đó các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên HTX phát triển thêm vùng nguyên liệu ra một số huyện lân cận. Thời điểm HTX giảm quy mô chế biến theo nhu cầu của thị trường, người dân chuyển sang làm bắp hạt.
“Trước đây, bắp hạt nhập khẩu về Việt Nam hơn 200 USD/tấn nhưng hiện nay giá tăng gấp 1,5 lần. Bà con tính toán và chuyển một phần diện tích sang làm bắp hạt. HTX mặc dù hợp tác bao tiêu cây bắp sinh khối nhưng cũng linh động với bà con. Khi nhu cầu thị trường về cây bắp tăng trở lại, HTX vận động các hộ quay lại quy trình cũ” - ông Vinh Phước chia sẻ.
Theo Phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ, mô hình cánh đồng lớn cây bắp đã tạo sự liên kết giữa các hộ dân với HTX, doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chế biến, nâng cao giá trị nông sản. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ đã xây dựng được vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn. Ngoài HTX Đông Tây còn có HTX Nông nghiệp xanh Xuân Đông và một số công ty đầu tư cơ sở chế biến và thu mua cây bắp trên địa bàn huyện.
Phó bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Vũ Thanh Tùng cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực lợi thế của huyện, do vậy, việc triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững được đặc biệt quan tâm. Hiện cả 2 dự án cánh đồng lớn cây tiêu và cây bắp đều phát huy hiệu quả. Trong đó, dự án cánh đồng lớn cây bắp tuy đã kết thúc vào năm 2021 nhưng chủ dự án vẫn tiếp tục triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân với diện tích khoảng 1,5 ngàn ha. Điểm đặc biệt là dự án cánh đồng lớn cây bắp từ khi triển khai đến nay không đề xuất hưởng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Qua theo dõi, đây là dự án có hiệu quả cao, công tác phối hợp giữa nông dân với HTX rất tốt, góp phần ổn định đầu ra cho cây bắp, phát huy hiệu quả chuỗi liên kết.
Hoàng Lộc